Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm 2022 “vất vả”, với mức giảm hơn 30% chủ yếu do những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.
Thị trường chứng khoán chính của Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh hiện là thị trường nhỏ nhất trong số các nền kinh tế chính của Đông Nam Á, với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 180 tỷ USD, thấp hơn một nửa so với Malaysia.
Vào tháng 7/2022, Chính phủ đã cam kết đặt mục tiêu nâng cấp lên vị thế của Việt Nam lên “thị trường mới nổi” trong ít nhất một chỉ số chính vào năm 2025.
Theo hai nhà nghiên cứu Burcu Hacibedel và Jos van Bommel, việc đẩy mạnh các cải cách thị trường có thể làm tăng giá cổ phiếu lên tới 3%. Đối với Việt Nam, điều đó có thể có nghĩa là dòng tiền vào khoảng 5 tỷ USD.
Các ước tính nội bộ khác được chia sẻ với Reuters cũng chỉ ra khoản lãi ban đầu từ 5 tỷ đến 8 tỷ USD, ngay cả khi chỉ một số cổ phiếu đủ điều kiện được đưa vào, nhờ dòng vốn thụ động.
Tuy nhiên, bà Trinh Nguyễn từ ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp đã chia sẻ ý kiến của mình, cho rằng các quy định thị trường của Việt Nam đang cản trở việc nâng hạng, hạn chế khả năng tiếp cận với nhiều thanh khoản hơn.
Thanh khoản bổ sung được coi là rất quan trọng đối với các ngân hàng Việt Nam, vốn chiếm khoảng một phần ba vốn hóa thị trường chứng khoán, để nâng cao bộ đệm vốn đang tương đối thấp của họ và thúc đẩy sự ổn định tài chính.
Vào năm 2018, nhà quản lý chỉ số FTSE Russell đã thêm Việt Nam vào danh sách các nền kinh tế cận biên có thể được nâng hạng, nhưng "tiến độ đã chậm hơn dự đoán", bản cập nhật mới nhất vào tháng 9 về việc phân loại lại vốn chủ sở hữu cho thấy. Trong khi đó, MSCI cũng đã công bố vào tháng 6 một danh sách dài các cải cách mà Việt Nam cần áp dụng trước khi xem xét nâng hạng.
Cả FTSE và MSCI đều công khai nói rằng yêu cầu cấp vốn trước của Việt Nam và giới hạn nghiêm ngặt đối với quyền sở hữu cổ phần của nước ngoài là một trong những rào cản chính đối với việc nâng hạng thị trường mới nổi.
Trên thế giới, các nhà đầu tư thường giải quyết các giao dịch của họ hai ngày sau khi giao dịch trên thị trường mở, nhưng ở Việt Nam, họ phải đảm bảo có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch, điều này làm tăng thêm chi phí đáng kể cho các nhà giao dịch thực hiện nhiều hoạt động hàng ngày.
Rào cản lớn khác là giới hạn nghiêm ngặt của Việt Nam đối với tỷ lệ sở hữu nước ngoài, riêng đối với các ngân hàng là thấp tới 30%.
Hiện có một số lựa chọn được đề xuất để gia tăng hoặc loại bỏ giới hạn một cách hiệu quả, trong đó, một khả năng là cho phép người nước ngoài mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết và không cần điều chỉnh giới hạn hiện có. Một giải pháp khác mà các nhà đầu tư nước ngoài đang lobby là tăng dần giới hạn ban đầu lên 35%, nhưng có lẽ ngân hàng trung ương Việt Nam sẽ cần vài tháng để thay đổi đó được quốc hội phê chuẩn.