Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn. Nhiều công ty chứng khoán dự báo thị trường chứng khoán Việt sẽ khởi sắc trong năm 2023 với động lực đến từ dòng vốn ngoại.
Triển vọng trong vùng nhiễu động
Thị trường chứng khoánViệt Nam trong năm 2022 đã chịu tác động mạnh trước bối cảnh bất ổn của chứng khoán toàn cầu và những thay đổi nhạy cảm về chính sách điều hành vĩ mô trong nước (xử lý, bắt bớ sai phạm…) dẫn tới là thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã để mất 32,2% và 33,9% kể từ đỉnh 52 tuần. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm ở mức 1.007,09 điểm. Con số này tăng hơn 15% so với mức đáy 874 điểm xác lập giữa tháng 11/2022, nhưng vẫn thấp hơn 35% so với đỉnh lịch sử 1.536 điểm trong quý 1.
Bước sang năm 2023, một số rủi ro vẫn hiện hữu như kinh tế tăng trưởng chậm lại, chính sách tiền tệ chưa theo hướng nới lỏng, lợi nhuận của các doanh nghiệp khó vượt trội… Tuy nhiên, với chính sách cởi mở kinh tế, sự tăng trưởng bùng nổ về nhiều mặt như du lịch, dịch vụ, sản xuất, xuất khẩu… thị trường chứng khoán năm 2023 được kỳ vọng sẽ có những bước hồi phục tương đối tích cực.
Cụ thể, nhóm phân tích Chứng khoán VNDirect nhận định thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ có 2 nửa diễn biến. Trong những tháng đầu năm, đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trước bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó.
Tuy nhiên, từ giữa năm đà tăng sẽ vững chãi hơn nhờ 3 yếu tố, gồm Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc và nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi.
Do đó, VNDirect dự báo VN-Index sẽ quay trở lại vùng 1.300 - 1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E từ 12 đến 12,5 lần.
Tương tự, chứng khoán KB Việt Nam cũng đưa ra những dự báo khá tích cực về triển vọng chứng khoán Việt Nam năm 2023. Chứng khoán KB nhận định, thị trường sẽ có cơ hội mở rộng thêm đà hồi phục ngay từ quý 1/ 2023, tiếp nối nhịp hồi phục từ cuối năm 2022. Nhờ vào việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế và FED chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất sau kỳ họp tháng 3.
Theo đó, EPS thị trường dự phóng tăng 8.5% và P/E chỉ số VN-Index tiến gần hơn đến mức trung tính ở 12 lần, tương ứng với đó vùng điểm hợp lý của chỉ số VN-Index cuối năm 2023 ở mức 1,240 điểm.
Nhóm chuyên gia của Chứng khoán TPS dự báo về triển vọng của năm 2023, VN-Index sẽ giao động trong khoảng từ 1.150 đến 1.210, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 5% cho cả năm.
Dưới một góc nhìn lạc quan hơn, kỳ vọng các khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm dần, tạo cơ sở cho các Ngân hàng Trung Ương thế giới nâng lãi suất với tốc độ chậm lại và nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ. Qua đó kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Theo kịch bản khả quan, mức tăng trưởng toàn thị trường từ 10% - 15% sẽ dẫn dắt VN-Index đến vùng 1.373 – 1.436.
Đưa ra kịch bản cơ sở cho thị trường chứng khoán năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang trong nửa đầu năm với biên độ 930-1.060 điểm do chưa có nhiều động lực hỗ trợ. Sang nửa cuối 2023, VN-Index có thể tiến ngưỡng 1.200-1.270 điểm. Giá trị khớp lệnh bình quân duy trì ở mức 13-16 nghìn tỷ đồng/phiên, VN-Index sẽ tăng trung bình ở mức 12% trong cả năm 2023 so với thời điểm cuối năm 2022.
Chứng khoán MB lại cho rằng, trong điều kiện nền lãi suất duy trì ở mức cao sẽ gây khó khăn cho dòng vốn vào thị trường chứng khoán, áp lực điều chỉnh và rung lắc sẽ vẫn sẽ tiếp diễn nửa đầu năm 2023.
Trên kịch bản cơ sở, MBS dự báo chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng từ 900 – 1.180 điểm. Theo đó, xu hướng khó khăn 6 tháng đầu năm nhưng tích cực hơn về 6 tháng cuối năm khi kỳ vọng áp lực lãi suất giảm bớt và kinh tế phục hồi trở lại. Đối với kịch bản thận trọng, nếu suy thoái lớn bất ngờ xảy ra, VN-Index có thể dao động từ 780-1.080 điểm.
Sức hút tiếp tục đến từ vốn ngoại
Tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ đã kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. Dòng tiền từ khối ngoại là động lực chính cho sự hồi phục của VN-Index trong năm 2022.
Chỉ tính riêng trong tháng 12, khối này đã mua ròng hơn 13 nghìn tỷ đồng (và 16,8 nghìn tỷ đồng – nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biến của EIB, tương đương với mức mua ròng kỷ lục trong tháng 11). Tính chung cả năm 2022, khối ngoại mua ròng 29,3 nghìn tỷ đồng (trong đó riêng quý 4 là gần 29 nghìn tỷ đồng).
Việc thất thế của các cổ phiếu công nghệ đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài sang hoạt động kinh doanh truyền thống, đây cũng là nguyên nhân cho các ngành ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng của Việt Nam chiếm ưu thế về vốn hóa trên thị trường.
Bước sang năm 2023, nhiều công ty chứng khoán tiếp tục dự báo dòng tiền từ khối ngoại vẫn là điểm sáng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chứng khoán TPS nhận định, làn sóng ETF sẽ tiếp tục nở rộ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại. Tính đến ngày 14/12/2022, lượng tiền huy động trong đợt tăng vốn lần 4 của Fubon FTSE mới chỉ đạt 2.1 tỷ TWD (Đô la Đài Loan), đồng nghĩa với dư địa còn gần 3 tỷ TWD để đạt mục tiêu 5 tỷ TWD. Do đó, trong thời gian tới, chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ đón nhận dòng vốn giải ngân từ quỹ này.
Bên cạnh đó, VNM ETF dự kiến cũng sẽ tăng tỷ trọng của Việt Nam lên 100% (thay vì 73,7% như hiện tại), tương đương với khoảng hơn 100 triệu USD sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, sự suy yếu của đồng bạc xanh đang góp phần hạ nhiệt tỷ giá USD/VND, việc tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo chứng khoán Rồng Việt, VN-Index sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền khối ngoại dựa trên nền tảng vĩ mô ổn định so với các quốc gia trong khu vực. Dự báo của các tổ chức kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng khả quan 6 -7% trong năm 2023. Trong khi đó, các nền tảng về vĩ mô khác bao gồm lãi suất, lạm phát và tỷ giá được kỳ vọng sẽ ổn định hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực. Đây chính là những động lực sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Tương tự, chứng khoán VNDirect cũng cho rằng tín hiệu đạt đỉnh của lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ đã kích thích nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam.