Chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ATIGA thay đổi, Tổng cục Hải quan đưa ra những lưu ý

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố về việc áp dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D, trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN...

Theo đó, từ kết quả Phiên họp Tiểu ban Quy tắc xuất xứ lần thứ 41 và Ủy ban điều phối thực thi Hiệp định ATIGA kể từ ngày 1/4/2023 các nước thành viên sẽ khai báo mã số HS (mã hàng hóa tám chữ số) 2022 trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan về mã số HS trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các nước thành viên chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O bản giấy, C/O điện tử và chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) sử dụng mã HS 2017 được cấp đến ngày 31/3/2023. Kể từ ngày 1/4/2023, các nước thành viên sẽ khai báo theo thông tin đã nêu ở trên.

Về C/O cấp sau nhưng không đáp ứng quy định, Tổng cục Hải quan cho biết, đối với trường hợp C/O điện tử, cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra tính hợp lệ của C/O, đối chiếu với tờ khai hải quan và bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, nếu không có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa thì xem xét chấp nhận C/O theo quy định.

Chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ATIGA thay đổi, Tổng cục Hải quan đưa ra những lưu ý
Chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ATIGA thay đổi, Tổng cục Hải quan đưa ra những lưu ý

Đối với trường hợp C/O bản giấy, cục hải quan các tỉnh, thành phố chưa thực hiện từ chối, gửi báo cáo về Tổng cục Hải quan để thực hiện xác minh.

Việt Nam đang tham gia đàm phán rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà trong đó có yêu cầu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Theo cơ chế này, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang doanh nghiệp. Nghĩa là doanh nghiệp sẽ tự thực hiện các thủ tục và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuyên bố đó.

Với ATIGA áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, có nghĩa là chỉ các doanh nghiệp được cấp phép mới được tự chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa do chính doanh nghiệp sản xuất ra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tự chứng nhận đó.

Danh sách các doanh nghiệp được các nước ASEAN cập nhật trên trang điện tử của ASEAN và cơ quan Hải quan sẽ căn cứ thông tin về doanh nghiệp trên trang web này để kiểm tra, xác định đối tượng được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc doanh nghiệp áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa có rất nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích. Ngược lại, mối lo ngại về tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Cụ thể là rủi ro gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa sẽ nhiều hơn so với cơ chế cấp C/O truyền thống.

Có thể bạn quan tâm