Chuỗi cung ứng gặp khó, dầu hướng dương tăng giá mạnh

Do tình hình chiến sự ở Ukraine, cùng việc Nga tăng thuế xuất khẩu và những khó khăn trong việc vận chuyển khiến giá dầu hướng dương trong nước tăng giá mạnh...

Chuỗi cung ứng gặp khó, dầu hướng dương tăng giá mạnh

Bên cạnh những nguyên nhân nói trên, các doanh nghiệp nhập khẩu dầu hướng dương đang phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, khi nhiều doanh nghiệp trong nước nhập nguyên liệu về sang chiết không đúng quy định, nhưng khi đưa ra thị trường tiêu thụ lại quảng cáo là hàng nhập khẩu.

Theo dữ liệu từ Trading Economics - một nền tảng chuyên cung cấp các thông tin về dữ liệu kinh tế, chỉ số tài chính và phân tích thị trường từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, cho thấy năm 2023 giá trung bình của dầu hướng dương trên thế giới là 942,73 USD/tấn, với xu hướng giảm từ tháng 1 (1.218,3 USD/tấn) xuống mức thấp nhất 894,81 USD/tấn vào tháng 9. Sau đó tăng nhẹ vào cuối năm. Điều này có thể phản ánh sự ổn định nguồn cung vào giữa năm và nhu cầu tăng cuối năm.

Bước sang năm 2024, giá trung bình của mặt hàng này là 1.046,02 USD/tấn (dựa trên 11 tháng), với xu hướng tăng dần, đặc biệt vào cuối năm, đạt đỉnh 1.267 USD/tấn vào tháng 11. Sự gia tăng này có thể do các yếu tố như gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc nhu cầu cao từ các thị trường lớn, Trading Economics nhận định.

Năm 2025, dữ liệu đến tháng 4 của Trading Economics cho thấy giá tăng mạnh, đạt mức 1.337,60 USD/tấn vào ngày 1/4, tăng 56,44% so với đầu năm. Điều này cho thấy xu hướng tăng tiếp tục có thể do hạn chế nguồn cung hoặc nhu cầu toàn cầu tăng.

dau-huong-duong1.jpg
Diễn biến giá dầu hướng dương

Dựa trên thông tin từ Trading Economics, giá dầu hướng dương dự kiến sẽ đạt 1.365,12 USD/tấn vào cuối quý hiện tại (tháng 6/2025) và 1.399,73 USD/tấn vào tháng 4/2026. Dự báo này dựa trên xu hướng thị trường hiện tại và các yếu tố kinh tế toàn cầu. Nhưng Trading Economics đưa ra khuyến nghị, cần theo dõi thêm các biến động như chính sách xuất nhập khẩu hoặc sự kiện địa chính trị.

Phân tích về những nguyên nhân khiến giá dầu hướng dương liên tục tăng thời gian qua, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Chế biến Nông Lâm Thủy sản Việt Nam (VINAFASS) cho rằng, năm 2022 khi Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nguồn cung dầu hướng dương đã bị ảnh hưởng nặng nề, bởi Nga và Ukraine chiếm khoảng 75% nguồn cung dầu hướng dương.

Bên cạnh yếu tố chính trị, từ tháng 8/2024 chính phủ Nga tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này khiến các nhà nhập khẩu trên toàn thế giới muốn nhập khẩu buộc phải chi phí nhiều hơn, ông Thành nói.

Trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng dầu hướng dương, bởi nó nổi tiếng là loại dầu có lợi cho tim, giàu chất béo không bão hòa và vitamin E. Do đó, so với các loại dầu khác, dầu hướng dương mang đến sự lựa chọn hợp lý hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

dau-huong-duong2.jpg
Giá bán lẻ dầu hướng dương trên kệ trong siêu thị ở thời điểm hiện tại

Theo tìm hiểu của Thương gia, hiện giá bán lẻ dầu hướng dương loại 1 lít trên thị trường trong nước giao động từ 50.000 đến 70.000 đồng. Trước đó, ở thời điểm cuối năm 2024 giá có rẻ hơn một chút. Như vậy, giá bán lẻ trong nước tăng theo diễn biến của thị trường chung trên thế giới.

“Dù muốn đem lại giá tốt nhất cho người tiêu dùng trong nước, nhưng trước áp lực từ giá nhập khẩu nên để bảo vệ doanh nghiệp chúng tôi buộc phải tăng giá bán. Theo tính toán của chúng tôi, giá bán lẻ dầu hướng dương tính từ thời điểm cuối năm ngoái đến nay tăng khoảng 15%”, ông Trần Văn Thành nói.

Người đại diện pháp luật của VINAFASS thông tin thêm, điều tôi lo ngại nhất cho người tiêu dùng trong nước không phải là các doanh nghiệp tăng giá bán lẻ, mà hiện trên thị trường có rất nhiều nhãn dù họ nhập khẩu nguyên liệu không đảm bảo về tự pha chế, sang chiết chất lượng không đảm bảo nhưng khi bán họ vẫn quảng cáo là hàng nhập khẩu. Chính vì thế người tiêu dùng phải tìm hiểu kỹ khi mua sản phẩm.

Trước xu hướng giá tăng, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu dầu hướng dương đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp trong ngành dầu ăn cần cân nhắc chiến lược nhập khẩu, dự trữ và định giá sản phẩm. Đặc biệt là trong năm nay, với mức tăng 56,44% từ đầu năm, doanh nghiệp có thể cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để ứng phó với chi phí nguyên liệu cao hơn.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm