Vàng đã trở thành một trong những tài sản có hoạt động tốt nhất năm nay, chứng kiến mức tăng hơn 20% tính từ đầu năm nhờ kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, xu hướng mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương và nhu cầu khổng lồ từ khu vực châu Á.
Nhu cầu trú ẩn an toàn do rủi ro địa chính trị gia tăng, cùng với sự bất định trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, cũng đã thúc đẩy nhiều đợt tăng kỷ lục của vàng trong 8 tháng vừa qua.
Tại hội nghị kinh tế thường niên ở Jackson Hole (Mỹ), Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu về việc ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 18/9 tới, nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần điều chỉnh chính sách cần tiền tệ. Giá vàng ngay lập tức đã bật tăng sau bình luận này của ông Powell.
Kể từ tháng 7/2023, Fed đã duy trì lãi suất chủ chốt trong phạm vi mục tiêu 5,25% đến 5,5%, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.
Câu hỏi đặt ra nhiều nhất trên thị trường hiện nay là mức độ cắt giảm lãi suất của Fed. Các báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy nhiều tín hiệu trái chiều, do đó, khiến cuộc tranh luận về mức cắt giảm lãi suất của Fed tại cuộc họp tháng 9 vẫn chưa ngã ngũ.
Theo dự đoán của các nhà kinh tế học của ING, có khả năng Fed sẽ chọn mức cắt giảm 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,25 điểm phần trăm. Nếu điều này thành hiện thực, giá vàng chắc chắn sẽ “nhảy vọt” lên ngưỡng cao mới. Mức kỷ lục được ghi nhận gần đây nhất là 2.531,60 USD/ounce vào ngày 20/8.
Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 cũng sẽ góp phần thúc đẩy cho đà tăng của vàng trong giai đoạn cuối năm.
Địa chính trị cũng sẽ vẫn là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến giá vàng. Cuộc chiến Nga - Ukraine và Trung Đông, cùng với căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cho thấy nhu cầu trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong trung hạn. Các ngân hàng trung ương cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng lượng vàng dự trữ, từ đó tạo thêm lực đẩy cho giá.
Box: ING dự đoán giá vàng trung bình trong quý 4/2024 sẽ quanh ngưỡng 2.580 USD, dẫn đến mức trung bình năm là 2.388 USD. Đà tăng sẽ tiếp tục kéo dài sang năm sau với mức giá trung bình năm 2025 là 2.700 USD/ounce.
Trong một nhận định tương tự, ông Jateen Trivedi, Phó Chủ tịch Nghiên cứu Phân tích Hàng hóa và Tiền tệ tại LKP Securities cho biết: “Kỳ vọng cắt giảm 0,25 điểm phần trăm đã được phản ánh vào giá nhưng vàng đang gặp ngưỡng kháng cự ở vùng 2.510-2.520 USD. Điều này cho thấy để có đòn bẩy đưa giá vàng tăng thêm, sẽ cần một mức cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn”.
Cũng theo ông Trivedi, suy đoán về các mức độ cắt giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình giá của kim loại quý trong ngắn hạn. “Thị trường sẽ theo dõi sát sao các dữ liệu sắp tới như chỉ số giá tiêu dùng lõi (PCE), các số liệu về lạm phát, bảng lương phi nông nghiệp và dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp để có thêm manh mối về lộ trình của Fed. Không thể loại trừ khả năng tâm lý thị trường thay đổi và ảnh hưởng đến giá vàng trước thềm cuộc họp chính sách vào 18-19/9”, ông Jateen Trivedi giải thích.
Nhu cầu đối với các quỹ ETF vàng cũng đang tăng trở lại. Dòng vốn chảy vào các quỹ ETF toàn cầu cũng ghi nhận xu hướng tích cực trong bốn tháng liên tiếp, với tất cả các khu vực đều có dòng tiền tích cực, trong đó các quỹ phương Tây dẫn đầu vào tháng 8. Việc nắm giữ vàng trong các quỹ ETF thường tăng khi giá vàng tăng, và ngược lại.
Trước đó, lượng nắm giữ vàng trong các quỹ ETF đã giảm trong giai đoạn đầu năm 2024 khi giá vàng giao ngay đạt mức cao mới. Tuy vậy, dòng tiền cuối cùng đã trở lại mức dương vào tháng 5.