Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá, Việt Nam có nền kinh tế mở và chuyển hướng tăng trưởng tích cực trong năm 2018. Theo nhiều tính toán, Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi tích cực hơn. Các năm qua, Việt Nam có nhiều hoạt động đầu tư lớn giúp tạo ra các động lực thu hút đầu tư, kích thích tăng trưởng cao hơn cho giai đoạn tiếp theo.
Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2017 cao hơn ở mức 6,81% và cao hơn mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2011-2017. Các chỉ tiêu kinh tế được cải thiện, như: tỷ lệ lạm phát có xu hướng giảm rõ rệt, năm 2017 là dưới 5% (thấp hơn tỉ lệ lạm phát trung bình giai đoạn 2011-2017 là 6,5%).
Tỷ lệ nợ công/GDP. Từ 63,6% năm 2016, tỉ lệ nợ công/GDP năm nay đã giảm xuống còn 62%. Tốc độ tăng nợ công cũng đang có xu hướng giảm dần; giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng nợ công trung bình đạt 18,4%, năm 2016 tăng 15% và năm 2017 là 9%. Bội chi ngân sách đang giảm, tỉ lệ chi thường xuyên trong chi ngân sách đã giảm xuống còn 64,9% năm nay và dự kiến là 64% vào năm 2018.
Cán cân thương mại cải thiện từ nhập siêu năm 2015 (3,2 tỷ USD), năm 2016 xuất siêu 2,68 tỷ USD và khả năng năm 2017 đạt thặng dư cán cân thương mại.
Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), 35,88 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ đổ vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua, từ 20 tỷ USD năm 2014 lên mức gần 36 tỷ USD trong năm nay. Vốn giải ngân tăng kỷ lục đạt 17,5 tỷ USD.
“Từ sự tăng trưởng tích cực của năm 2017, chúng ta có thể thấy Việt Nam có nhiều yếu tố hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, như kinh tế thế giới hồi phục mạnh hơn, Chính phủ nỗ lực kiến tạo, cộng đồng doanh nghiệp chung sức phát triển… Nhưng đừng có lạc quan tếu về sự tăng trưởng quá mức vừa qua, mà tôi chỉ nhận định rằng đây là giai đoạn phục hồi rõ nét và tốt hơn của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế mới đạt hơn 6,7%, vẫn thấp so với mức tăng trưởng trên 7% của một số quốc gia trong khu vực”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế cũng cho rằng, báo chí liên tục đăng tải các bài viết nhận định, đánh giá đầy lạc quan về tăng trưởng kinh tế, hay thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ là “kỳ tích”. Điều này khiến cho công chúng hào hứng, phấn khích quá nhưng cần phải đánh giá và đưa nhận định thận trọng hơn.
Theo ông Thiên, dường như nền kinh tế đang xác lập một động thái tăng trưởng mới, với các điểm nhấn quan trọng:
Một là, Chính phủ thực sự nỗ lực tạo niềm tin và kích thích tăng trưởng cho cộng đồng doanh nghiệp. Động thái từ phía Chính phủ là rất mạnh và rất cứng.
Hai là, khu vực kinh tế tư nhân tự mình khẳng định được vai trò quan trọng của mình. Thực tế, năm 2017 vốn giải ngân đầu tư công rất chậm, song đã được bù đắp bởi nguồn vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân.
Ba là, Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho Tp.HCM sẽ tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế của đầu tàu tăng trưởng này.
Theo ông Võ Trí Thành, trong thế trận hội nhập, Việt Nam đã tạo ra nhiều lợi thế, gồm 3 thế trận chính: lợi thế đi trước, kết hợp mạng sản xuất với chuỗi giá trị và các thị trường xuất khẩu, và thế trận hợp tác quốc tế. Chúng ta hi vọng năm 2018 các thế trận này sẽ được duy trì và không giảm thiểu những lợi thế này.
Đáng chú ý, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thực sự là cuộc cách mạng để tái cấu trúc nền kinh tế trên cả 4 khía cạnh: lĩnh vực, kỹ năng, ngành nghề, người tiêu dùng, thị trường. Bên canh đó là nền kinh tế chia sẻ để thúc đẩy kết nối, tạo giá trị gia tăng nhiều hơn. Và cuối cùng là cuộc cách mạng quản trị.
Đồng quan điểm, ông Đặng Huy Đông cho rằng Việt Nam có nhiều yếu tố cần được cải thiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn. Ông Đông nhấn mạnh: “Chúng ta có đủ tự tin để tăng tốc tăng trưởng kinh tế cao hơn con số hiện tại”.
>> Kinh tế tư nhân đóng góp gì vào những con số kỷ lục năm 2017?