Cố bám trụ sân chơi toàn cầu, ngành dệt may chuyển trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn

Trong hội nghị tổng kết ngành dệt may sáng nay, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải khẳng định xanh hóa hiện nay được coi là mệnh lệnh với các doanh nghiệp...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2023
Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2023

Sáng nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã tổ chức hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2023 và đưa ra những cơ hội, thách thức trong năm 2024.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, năm 2023, ngành dệt may dự kiến về đích với kim ngạch 40,3 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành dệt may năm 2023 đang phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Trong đó, vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá…

Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm ấy vẫn xuất hiện một vài “điểm sáng” là xuất khẩu hàng dệt may sang một số thị trường vẫn tăng, các doanh nghiệp dệt may cũng đã mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông…

Ông Giang cho biết, ngành dệt may Việt Nam nhìn chung vẫn đang tiếp tục xu hướng phục hồi. Hiệp hội Dệt may đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Nhằm giúp thị trường phục hồi, các doanh nghiệp cần quyết tâm trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải khẳng định, hiện nay xanh hóa được coi là mệnh lệnh với các doanh nghiệp. Nếu không thực hiện xanh hóa, doanh nghiệp có thể bị loại khỏi sân chơi toàn cầu.

Ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh với Bangladesh. Trong khi nước bạn đã sớm áp dụng chuyển đổi xanh, ngành dệt may Việt Nam mới đang trên những bước đầu của chuyển đổi.

Phó Cục trưởng đề xuất, ngành dệt may Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tự phân hủy trong 5 - 10 năm, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế, sợi hữu cơ trong vải và các sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, nhà máy của các doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn LEED (chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Mỹ). Trong đó, chú trọng đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, chuyển đổi sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện. Đồng thời, đầu tư công nghệ, kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất.

Ngoài ra, ông Vũ Đức Giang cũng cho biết, từ nay tới năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.

Giai đoạn 2031 - 2035, ngành dệt may sẽ phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở công đoạn có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm theo thương hiệu riêng, mang tầm khu vực và thế giới.

Có thể bạn quan tâm