Cách đây vài năm, dư luận xôn xao về việc Công ty Cổ phần Thịnh Phát Group bắt tay với một đơn vị thành viên của Skyway mua lại Công ty TNHH Viettransnet và tuyên bố nghiên cứu đầu tư hệ thống giao thông thông minh tại Quảng Ninh. Nhưng đến nay những tuyên bố của liên doanh này vẫn chỉ là những "lời của gió”, trong khi đó lãnh đạo của Thịnh Phát Group bị bắt vì tội lừa đảo, còn Skyway bị cảnh báo có dấu hiệu vi phạm pháp luật bằng hình thức huy động vốn đa cấp trái phép...
LIÊN DOANH TAI TIẾNG CHỈ TUYÊN BỐ TRIỂN KHAI DỰ ÁN CHO VUI
Đầu tháng 6/2021, tại Quảng Ninh, Công ty cổ phần Thịnh Phát Group và Công ty Sky world community thuộc Tập đoàn sản xuất công nghệ Skyway đã ký kết hợp tác mua lại 100% cổ phần của Công ty TNHH Viettransnet để trở thành liên doanh. Trong đó Thịnh Phát Group nắm giữ 51% và Sky world community nắm giữ 49%.
Sau buổi lễ ký kết hai bên tuyên bố đã thống nhất cùng hợp tác để nghiên cứu đầu tư hệ thống giao thông thông minh tại Cụm di tích lịch sử văn hoá chùa Lôi Âm tại phường Đại Yên, thành phố Hạ Long và Viettransnet là đơn vị phân phối độc quyền công nghệ của Tập đoàn Skyway tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Lúc đó, ông Vladimir Maslov - một thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn Skyway tuyên bố rằng, công nghệ Skyway là hệ thống giao thông thông minh chi phí đầu tư và chi phí vận hành thấp, sử dụng năng lượng sạch nên rất thân thiện với môi trường. Thịnh Phát Group là đơn vị tiên phong trong việc đưa công nghệ giao thông thông minh về Việt Nam, đây sẽ là bước tiến đột phá cho việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Sau đó, trên trang điện tử skywayvn.com quảng bá: “SkyWay đã hợp tác với Công ty cổ phần Thịnh Phát Group để tiến hành xây dựng dự án SkyWay tại chùa Lôi Âm, thời gian khởi công xây dựng vào Quý II, 2022. Dự án xây dựng này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận theo văn bản số 4668/UBND-QH1”. Và gần như ngay lập tức, các hội nhóm kêu gọi đầu tư vào Skyway trên facebook tràn ngập các bài chia sẻ về thông tin này, coi đó như minh chứng về việc công nghệ "hiện đại" này sắp được triển khai tại Việt Nam. Và theo đó là những lời kêu gọi tham gia đầu tư vào Skyway nếu như "không muốn bỏ lỡ cơ hội nhận được lợi nhuận lớn khi Skyway được IPO". Trong khi đó, theo chính những thông tin từ các "tổ đội Skyway" thì doanh nghiệp này đã tiến hành kêu gọi vốn, triển khai kế hoạch Pre – IPO từ năm 2014 để xây dựng nhà ga thử nghiệm. Năm 2016, Tập đoàn này thông báo kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên CSX. Nhưng rồi kế hoạch IPO lần lượt bị rời từ 2016 qua 2017, rồi lại từ 2017 qua 2018. Và đến những ngày cuối năm 2018, khi các nhà đầu tư tỏ ra nóng ruột về cơ hội "hiện thực hóa lợi nhuận" thì thông tin nhận được là kế hoạch IPO của Skyway tiếp tục được lùi qua... 2020. Và các nhà đầu tư lại ngậm ngùi chờ.
Đến năm 2022, chia sẻ về Skyway tại một sự kiện ở Hạ Long, ông Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch HĐQT Thịnh Phát Group cho biết: "Doanh nghiệp hiện đang nắm 51% liên doanh Viettransnet và là đại diện phân phối công nghệ của Skyway tại Việt Nam và sẽ triển khai tại dự án cáp treo chùa Lôi Âm. Thịnh Phát không bán cổ phần Skyway mà chúng tôi đang đại diện phân phối công nghệ cho Skyway”.
Tuy nhiên, mới đây tại hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch hồi giữa tháng 4/2024, thành phố Hạ Long công bố một loạt các dự án mời gọi đầu tư phát triển du lịch của thành phố. Trong số này, có dự án mở tuyến cáp treo lên ngôi chùa cổ nổi tiếng - chùa Lôi Âm nằm trên rừng thông, bên hồ Yên Lập.
Trước đó, năm 2017 tỉnh Quảng Ninh từng có văn bản số 4668/UBND-QH1 chính thức chấp thuận địa điểm nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến cáp treo và Khu dịch vụ tại Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Lôi Âm thuộc phường Đại Yên, thành phố Hạ Long. Tại văn bản này, UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý chủ trương nghiên cứu bổ sung tuyến cáp treo và khu dịch vụ tại cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Lôi Âm vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Từ những thông tin trên, có thể khẳng định những tuyên bố của liên doanh Skyway và Thịnh Phát Group liên quan đến dự án ở chùa Lôi Âm chỉ là những "lời của gió” nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Bởi, ngay sau khi liên doanh này bắt tay nhau một số cá nhân đã liên tục giới thiệu mời gọi tham gia đầu tư mua các gói cổ phần của Skyway với tỷ lệ chiết khấu hết sức hấp dẫn.
Về Công ty TNHH Viettransnet, theo thông tin chúng tôi thu thập được người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp này là ông Nguyễn Mạnh Hải sinh năm 1970, quê Thanh Hóa. Trụ sở chính của công ty này đặt tại số 132A đường Lê Thanh Nghị, thường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và có văn phòng đại diện tại Khu đô thị mới Nam Trung Yên, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Nhưng mới đây, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
THỊNH PHÁT GROUP LÀM ĂN GIAN DỐI, LỪA ĐẢO
Như đã nói ở trên, mới đây cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt tạm giam người đại diện pháp luật của Thịnh Phát Group về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Mạnh Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ Luật hình sự.
Theo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, ngày 22/2/2024 đơn vị tiếp nhận và xác minh đơn tố giác tội phạm của ông Phạm Văn Toàn ở tỉnh Hải Dương tố giác Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thịnh Phát Group có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1 tỷ đồng thông qua việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng ô đất số 09-LK06 thuộc dự án Nhóm nhà ở khu 4B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.
Qua điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định: Ngày 9/8/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng đô thị tại khu 4B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả theo hình thức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Khi biết thông tin UBND TP Cẩm Phả chuẩn bị bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án trên, Nguyễn Mạnh Hải đã đưa ra thông tin gian dối về việc Thịnh Phát Group do Hải làm Tổng Giám đốc đang có Dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng đô thị tại khu 4B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, gửi bảng giá, sơ đồ dự án cho ông Phạm Văn Toàn và ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Toàn vào ngày 5/6/2022, trong khi Dự án chưa đủ điều kiện để được khai thác thương mại và Công ty Thịnh Phát chưa có quyền gì đối với Dự án này. Với thủ đoạn trên, Nguyễn Mạnh đã lừa đảo, chiếm đoạt của ông Phạm Văn Toàn số tiền 1 tỷ đồng.
Ngược lại thời gian về năm 2022, nhiều cơ quan truyền thông đưa tin trong năm này Thịnh Phát Group triển khai 3 dự án đô thị lớn có nhiều tiềm năng là hai dự án tại thành phố Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh, gồm: Dự án Thịnh Phát Garden Valley, tại Khu 4B, phường Quang Hanh và Dự án nhóm nhà ở Thương mại tại phường Cẩm Thuỷ. Dự án còn lại là Nhóm nhà ở Thương mại tại đường Nguyễn Du, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cùng một số dự án khác cũng đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng trong cùng năm.
Điều đáng nói, trước khi trở thành Thịnh Phát Group, doanh nghiệp này có tên là ông ty TNHH Xây dựng Thu Hà - từng bị dư luận chỉ trích vì những gian dối trong việc xây dựng 2 tòa chung cư phục vụ tái định cư và nhu cầu nhà ở của người dân ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, theo chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn - Công ty TNHH Xây dựng Thu Hà (tiền thân của Thịnh Phát Group) được tỉnh này chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng lại Khu chung cư Cọc 7, phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Mục tiêu của dự án là phá dỡ nhà chung cư cũ (cấp D), đầu tư xây dựng lại nhà chung cư mới theo quy hoạch xây dựng; tái định cư, cải thiện điều kiện, đảm bảo an toàn nhà ở và tài sản của cán bộ, nhân viên Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả; giải quyết nhu cầu về nhà ở của nhân dân trong khu vực với diện tích, mức giá hợp lý phù hợp với thu nhập của người dân; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung, kế hoạch cải tạo xây dựng chung cư cũ, góp phần chỉnh trang đô thị thành phố Cẩm Phả.
Song, khi chưa được lựa chọn làm chủ đầu tư, chưa được giao đất, nhưng Công ty TNHH Xây dựng Thu Hà đã tự ý phá dỡ 2 tòa nhà chung cư 3 tầng, được xây dựng từ năm 1975, khi đó đang có 20 hộ gia đình sinh sống để thực hiện dự án.
Vào đầu tháng 4/2018, Công ty TNHH Xây dựng Thu Hà đã hoàn thành xây dựng tòa chung cư 5 tầng (chung cư A). Nhưng thay vì mục đích xây dựng chung cư bán cho người dân để ở, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân thì Công ty TNHH Xây dựng Thu Hà lại thay đổi kiến trúc và công năng thành khách sạn để kinh doanh.
Đối với tòa chung cư 9 tầng (chung cư B), Công ty TNHH Xây dựng Thu Hà lại chỉ thi công tầng hầm và tầng 1 và đến ngày 24/10/2018, công ty này cũng đã đưa công trình này vào khai thác kinh doanh theo hình thức kinh doanh nhà hàng tiệc cưới. Với những hành vi trên, UBND thành phố Cẩm Phả đã cho dừng mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, tiệc cưới để xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với mảng xây lắp chúng tôi rất bất ngờ với những thông tin liên quan tới Thịnh Phát Group, vì doanh nghiệp này tham gia đấu thầu 2 gói thầu và trúng cả 2, đạt tỷ lệ trúng thầu 100%. Gói thầu thứ nhất là Thi công phá dỡ nhà tập thể 4 tầng ( cấp D) do Chi nhánh Tập đoàn công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam – Công ty than Dương Huy - TKV làm chủ đầu tư, gói thầu còn lại là xây lắm công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cẩm Phả làm chủ đầu tư có giá trúng thầu hơn 16 tỷ đồng.
Về Thịnh Phát Group, doanh nghiệp này có địa chỉ tại Khu đô Thị Monbay, Phường Hồng Hải, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh, người đại diện pháp luật của Thịnh Phát Group là ông Nguyễn Mạnh Hải. Theo thông tin thì ông Nguyễn Mạnh Hải cũng là tên người đại diện pháp luật của hàng loạt công ty khác như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Bình, Công ty TNHH PKG Quảng Ninh, Công ty TNHH Xe điện Ngọc Thịnh... đều có địa bàn hoạt động tại Quảng Ninh.
SKYWAY BỊ ĐẶT VÀO TẦM NGẮM VÌ NHỮNG DẤU HỆU VI PHẠM PHÁP LUẬT
Cách đây vài ngày, Công an tỉnh Phú Yên đã có thông tin cảnh báo tội phạm có dấu hiệu lừa đảo kinh tế bằng hình thức huy động vốn đa cấp trái phép, thông qua việc mua cổ phiếu của Skyway. Theo Công an tỉnh Phú Yên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có một số cá nhân tham gia mua cổ phiếu của Tập đoàn Skyway có dấu hiệu lừa đảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý cho người tham gia mua cổ phiếu của tập đoàn này.
Theo đó, Skyway được giới thiệu là một tập đoàn thực hiện các dự án công nghệ vận tải trên không, được thành lập ở Belarus, hoạt động theo hình thức huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân thông qua hình thức mua các gói cổ phần. Tập đoàn Skyway có trụ sở đặt tại nước ngoài, địa chỉ IP máy chủ của trang web của tập đoàn này (skyway.capital và new.skyway.capital) đặt tại Mỹ và việc giao dịch chủ yếu qua các cá nhân với nhau và thông qua trang web của nước ngoài. Mặc dù được giới thiệu Tập đoàn Skyway có văn phòng đại diện tại Việt Nam, gồm: ở Hà Nội và Bắc Ninh nhưng thực tế trụ sở văn phòng Skyway tại Bắc Ninh thường xuyên đóng cửa, rất ít khi hoạt động, còn tại TP Hà Nội không có Công ty nào tên Skyway hoạt động.
Tuy nhiên, Tập đoàn Skyway chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, từ việc giới thiệu thêm thành viên vào hệ thống, càng giới thiệu được nhiều thành viên sẽ càng nhận được nhiều hoa hồng. Đây là dấu hiệu của hành vi kinh doanh đa cấp trái phép thông qua hình thức đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử. Thủ đoạn hoạt động của Skyway là chào bán số lượng cổ phiếu theo 15 giai đoạn để huy động vốn thực hiện các dự án của mình. Bất kỳ ai cũng có thể mua cổ phiếu của Skyway để trở thành nhà đầu tư, kể cả trẻ em (cổ phiếu của Skyway với gói đầu tư thấp nhất là 15USD đến gói cao nhất là 150.000 USD).
Khi muốn tham gia phải có sự giới thiệu của người đầu tư và được cấp 1 tài khoản để đăng nhập trên trang web của tập đoàn này, sau đó chuyển tiền vào hệ thống của Skyway bằng phương thức thanh toán qua thẻ Visa/MasterCard hoặc tiền điện tử như: Bitcoin, ETH, BCH... và nhà đầu tư có thể mua các loại gói cổ phiếu theo quy định của Skyway. Khi tham gia vào hệ thống, nhà đầu tư được hưởng cổ tức hàng tháng theo số lượng cổ phần sở hữu, ngoài ra được hưởng hoa hồng khi giới thiệu người đầu tư mới tham gia vào hệ thống theo hình kim tự tháp.
Hệ thống này dựa vào số tiền của nhà đầu tư tham gia để phân cấp bậc nhà đầu tư gồm 7 cấp khác nhau, như: Partner có mức đầu tư dưới 100 USD, Consultant có mức đầu tư từ 108 đến 200 USD, Leader có mức đầu tư từ 201 USD đến 1.000 USD... và cao nhất là Sky Expert có mức đầu tư lớn hơn 20.000 USD. Tùy thuộc vào cấp bậc nhà đầu tư đạt được để nhận mức hoa hồng khi giới thiệu người tham gia cấp dưới và cấp bậc càng cao thì tỷ lệ hoa hồng khi được giới thiệu càng lớn.
Ngoài ra, Skyway còn câu dụ các nhà đầu tư bằng các loại khuyến mãi cổ phiếu 20%, 50% khi mua cổ phần; dự kiến năm 2023 sẽ trả lãi cổ tức cho nhà đầu tư tùy theo tình hình kinh doanh của công ty và đến năm 2025 cổ phiếu của Skyway sẽ lên sàn chứng khoán quốc tế hoặc sau thời gian tối thiểu 3 năm nếu nhà đầu tư không muốn tiếp tục nắm giữ cổ phần thì Skyway cam kết trả lại số tiền gốc và lãi suất 4%/năm.
Trước đó, hồi tháng 6 năm nay Công an tỉnh Bắc Giang cũng đưa ra những cảnh báo về hoạt động của Skyway, khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện hoạt động giới thiệu, quảng bá, kêu gọi đầu tư vào “Skyway”. Một số đối tượng đang tích cực tuyên truyền, quảng bá để kêu gọi, huy động người tham gia; hình thức tuyên truyền chủ yếu là gửi tài liệu qua zalo, facebook, chat room hoặc tiếp xúc, gặp gỡ riêng để tư vấn,; tổ chức các hội nghị, hội thảo... (trong đó, có hội nghị đã bị Công an thị xã Việt Yên xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo). Mặt khác, dù đã nhiều lần được cam kết, hứa hẹn, tuy nhiên cho đến nay, “cổ phiếu” của Skyway vẫn chưa được lên sàn chứng khoán; những người tham gia đầu tư vào Skyway đều chưa nhận được tiền lãi, cổ tức….
Trước tình hình đó, Công an tỉnh Bắc Giang đưa ra khuyến nghị, để phòng ngừa rủi ro, đảm bảo quyền lợi và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, đề nghị người dân khi có ý định tham gia vào các hoạt động góp vốn, đầu tư, kinh doanh theo phương thức đa cấp… thì cần nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá kỹ các vấn đề liên quan pháp lý, tính xác thực của doanh nghiệp, sản phẩm, tránh việc bị các đối tượng lợi dụng tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ảnh hưởng tới tình hình an ninh, trật tự tại địa phương...
Không chỉ đến thời điểm này các ngành chức năng của Việt Nam mới đưa ra những cảnh báo liên quan đến hoạt động của Skyway, mà từ năm 2022 Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an đã đưa ra đánh giá Skyway có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cách đây 5 năm - tức năm 2019 Thuonggiaonline từng có loạt bài viết phản ánh về những dấu hiệu lừa đảo của Skyway, đồng thời đưa ra cảnh báo với mô hình cổ phiếu theo mô hình đa cấp, mời chào và “lấy tiền của người trước trả cho người sau”, rất có thể một lúc nào đó, hệ thống Skyway sẽ không còn có thể thu hút nguồn tiền, mất khả năng chi trả trên toàn hệ thống Skyway và những người đầu tư thứ cấp trong hệ thống này sẽ mất trắng.
Từ những thông tin Thuonggiaonline nêu trong bài viết, mong rằng các cá nhân, tổ chức cần cảnh giác với những mô hình hoạt động của Skyway tại Việt Nam.