Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến xoay quanh xung quanh các nội dung trong Dự thảo, đặc biệt là các quy định về hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa 20 triệu/ngày và 100 triệu/tháng với cá nhân, 100 triệu/ngày và 500 triệu/tháng với tổ chức).
Đồng thời, yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin cá nhân khi mở ví và không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ.
Các đơn vị trung gian thanh toán phải áp dụng nhiều biện pháp xác thực cần thiết như gặp mặt trực tiếp khách hàng hoặc các biện pháp gián tiếp nếu nghi ngờ khách hàng sử dụng các số điện thoại, tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ khác nhau để đăng ký mở quá một ví tại tổ chức của mình.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), việc đưa ra hạn chế nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng và tránh trường hợp lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.
Ông Dũng lý giải, hạn mức 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân được NHNN nghiên cứu và có căn cứ thực tiễn giao dịch ở các ví điện tử hiện nay cũng như tham khảo ở các nước khác trên thế giới.
Theo số liệu mà các công ty triển khai ví điện tử cung cấp bình quân 1 ví 1 ngày bình quân chi tiêu 58.870 đồng. Giao dịch mỗi tháng trung bình là 1,7 triệu đồng.
Ngoài ra, hiện cả nước có khoảng 29 đơn vị trung gian thanh toán và đơn vị cung cấp ví điện tử có số lượng lớn nhất khoảng 60 triệu giao dịch mỗi năm. Các giao dịch qua ví điện tử thông thường chỉ xoay quanh con số 200.000 đồng.
Ông Dũng cho hay giới hạn 20 triệu đồng/ngày với cá nhân là để tránh trường hợp cá nhân kinh doanh dùng ví để che dấu các mục đích khác như nghĩa vụ thuế. Còn với doanh nghiệp, quy định có thể cởi mở hơn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp trung gian thanh toán cho rằng việc đưa ra hạn mức này sẽ kiềm chế sự phát triển của thanh toán điện tử, đồng thời kiến nghị bỏ quy định hạn mức tối đa theo ngày đối với cá nhân.
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng rất nhanh để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử.
Đánh giá tác động của dự thảo đến thương mại điện tử, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử, cho biết, mặc dù thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, do đó cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế.
Dưới góc độ của các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty M-Service (đơn vị cung cấp ví điện tử MoMo) - đề xuất tăng hạn mức tháng đối với ví điện tử dành cho cá nhân.
Bên cạnh đó, ông Diệp nhận định không nên áp dụng hạn mức giao dịch đối với đối tượng doanh nghiệp. Vì thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu chi những khoản tiền nhỏ cho hàng chục nghìn nhân viên. Hoạt động của họ đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược phát triển người dùng cá nhân của ví điện tử. Do vậy, quy định về hạn mức giao dịch đối với doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và sự phát triển của lĩnh vực ví điện tử.
Theo bà Trương Cẩm Thanh - chủ tịch HĐQT ZaloPay, việc đặt hạn mức thanh toán theo ngày sẽ khó khăn cho khách hàng. Bởi để thanh toán vé máy bay, mua các dịch vụ khi đi du lịch nước ngoài... số tiền phải thanh toán sẽ lớn hơn con số 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, "Nếu áp dụng mức 100 triệu đồng/tháng, có nghĩa đã tăng hơn 500% so với mức thực tế hiện nay. Nên hạn mức này là phù hợp. Sau 5 năm nữa, nếu hạn mức này không phù hợp, chúng ta lại sửa. Hơn nữa, nếu có nhu cầu thanh toán cao hơn số tiền này, người dân có thể sử dụng những phương thức thanh toán khác như thẻ..."
Cũng theo ông Dũng, một nguyên tắc mà NHNN quán triệt là số dư của ví phải luôn đảm bảo ở ngân hàng, đồng thời đề nghị các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử nên rà soát kiểm tra các đơn vị chấp nhận thanh toán. Không thể để các đơn vị chấp nhận thanh toán không có hàng hóa dịch vụ nhưng vẫn nhận tiền, hoặc các đơn vị chấp nhận thanh toán có bán hàng hóa dịch vụ mà không xuất hóa đơn.
>> PVcombank, HDbank, VIB… chạy đua phát triển ví điện tử