Cổ phần hóa, thoái vốn có “vỡ kế hoạch”?

Nếu tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) tháng 12/2017 không có đột phá, thì năm 2018 sẽ lại “vỡ kế hoạch” thoái vốn, CPH.
Cổ phần hóa, thoái vốn có “vỡ kế hoạch”?

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), nhân tố quyết định thành công trong việc CPH và thoái vốn đã có, vấn đề còn lại là sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương.

Cổ phần hóa, thoái vốn có “vỡ kế hoạch”? ảnh 1

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Tiến độ thoái vốn, CPH năm nay vẫn quá chậm, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc?

Trong 11 tháng của năm 2017 đã có 39 doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH, với tổng giá trị 81.084 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 20.941 tỷ đồng. Có thể nói, tiến độ triển khai CPH trong 11 tháng đầu năm còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN, ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nói chung.

Còn về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong 11 tháng, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 3.874 tỷ đồng, thu về 24.586 tỷ đồng. Tiến trình thoái vốn năm nay cũng vẫn rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội trong việc sử dụng nguồn thu từ thoái vốn chuyển về ngân sách nhà nước.

Với tiến độ như thế, ông có nghĩ rằng, năm 2017 sẽ tiếp tục không hoàn thành mục tiêu thoái vốn, CPH?

Đến thời điểm này, vẫn còn khoảng cách nhất định với mục tiêu đặt ra, nhưng các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty đã và đang quyết liệt thực hiện mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Còn gần 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2017, nên chưa thể biết có hoàn thành mục tiêu hay không, vì thực tế nhiều năm qua cho thấy, thoái vốn, CPH thường có sự đột phá trong quý IV, đặc biệt trong năm nay, khi thị trường chứng khoán rất sôi động, nên sẽ hỗ trợ đáng kể cho công việc này.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là kết thúc năm 2017, nhưng giữa kết quả đạt được và mục tiêu đặt ra còn khoảng cách khá xa, thưa ông?

Năm nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo CPH 44 doanh nghiệp, thì trong 11 tháng đầu năm đã phê duyệt 39 phương án CPH. Trong đó, có 9 doanh nghiệp thực hiện thành công bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO), thu về cho Nhà nước 1.821 tỷ đồng, bằng 2,15 lần mệnh giá cổ phần. Như vậy, có thể khẳng định, hiệu quả IPO rất cao.
Quốc hội giao chỉ tiêu thu về cho ngân sách nhà nước 60.0000 tỷ đồng từ thoái vốn, qua 11 tháng đầu năm mới thu về 24.586 tỷ đồng (gấp 6,35 lần số vốn nhà nước bán ra), cộng thêm 9 doanh nghiệp thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, thu về gần 105 tỷ đồng (gấp gần 1,28 số vốn nhà nước bán ra). Như vậy, về số tiền Nhà nước thu về qua bán vốn tại doanh nghiệp chưa đạt 50%, nhưng nếu xét về hiệu quả thì hoạt động thoái vốn năm nay rất cao.

Như tôi đã nói, thông thường, hoạt động CPH, thoái vốn diễn ra sôi động vào những tháng cuối năm và năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Năm nay, việc có đạt được mục tiêu đặt ra hay không phải đến ngày 31/12/2017 mới có thể biết được.

Có nghĩa, ông vẫn hy vọng năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu thoái vốn, CPH?

Việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Gần đây nhất, ngày 16/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần đã xử lý cơ bản vướng mắc, tồn tại phát sinh trong CPH thời gian vừa qua.

Quan điểm chỉ đạo, cơ chế chính sách, mục tiêu cụ thể về CPH, thoái vốn đã đầy đủ; quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trước nhiệm vụ này rất cao. Đó là nhân tố rất quan trọng quyết định kết quả hoàn thành mục tiêu đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nói chung, CPH, thoái vốn nói riêng trong năm 2017 và cả giai đoạn 2017 - 2020.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...