Chính phủ đang rất quyết liệt hành động để thực hiện đúng thông điệp là Nhà nước sẽ về ngồi đúng vị trí bằng cách phân bổ lại nguồn lực và cơ hội đầu tư chuyển sang khu vực tư nhân.
Phải nói ngay, mục tiêu được xác định là bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thúc đẩy quá trình cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.
Nếu việc thực hiện không đảm bảo tiến độ và chất lượng, kế hoạch đầu tư công của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng và đương nhiên, nền kinh tế, trong đó khu vực kinh tế tư nhân, sẽ chịu tác động tiêu cực.
Nhưng, phương án tiêu cực này rất có thể sẽ diễn ra nếu các cấp thực thi không hành động quyết liệt và tuân thủ đúng kỷ luật hành chính.
Ngay trong Danh mục Doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 ban hành kèm theo Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg, không có các doanh nghiệp có vốn nhà nước của TP.HCM do chậm trễ trong xây dựng danh mục.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp vào tháng 6/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã buộc phải yêu cầu để TP.HCM ra ngoài, nhằm đảm bảo tiến độ chung của cả nước.
Cũng tại Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã được nhắc riêng thành một mục với yêu cầu nghiêm túc thực hiện. Sẽ có 67 doanh nghiệp phải chuyển giao cho SCIC trước khi thoái vốn, trong đó riêng 2 năm 2017-2018 là 58 doanh nghiệp.
Nhìn vào kết quả thực hiện việc chuyển giao doanh nghiệp này giai đoạn trước, có thể hiểu tại sao yêu cầu này được đặt ra.
“Nếu như trong 2 năm 2006 - 2007, số lượng chuyển giao về SCIC đạt 844 doanh nghiệp, thì từ năm 2009 đến 2016, con số này dao động từ 12 đến 22 doanh nghiệp. Thậm chí, năm 2016, SCIC đã thống nhất với các bộ, UBND cấp tỉnh danh sách 61 doanh nghiệp sẽ chuyển giao về SCIC, nhưng mọi việc gần như mới dừng lại ở văn bản...
Có nhiều lý do biện minh cho sự chậm trễ này, nhưng lớn nhất vẫn là sự thiếu quyết tâm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Nhiều “ông chủ” thậm chí còn muốn giữ lại doanh nghiệp để… phục vụ sự phát triển của địa phương, của ngành… Nhiều doanh nghiệp cũng vin cớ này để nằm trong vòng ưu ái của Nhà nước, né trách nhiệm thoái vốn.
Các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của Chính phủ lần này không thể chấp nhận những tư tưởng kiểu trên, cũng có nghĩa, quyết tâm hành động của Chính phủ đang áp đặt kỷ luật hành chính nghiêm khắc với các cấp thực thi.
Có thể hiểu là hành động đang là yêu cầu có tính kỷ luật từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và từng doanh nghiệp có vốn nhà nước.
>> 'Vàng' hóa 'cám' khi cổ phần hóa