Cụ thể, trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế chung đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 nhưng Cholimex vẫn ghi nhận mức doanh thu đạt gần 990 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 70 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Như vậy, ước tính bình quân mỗi tháng, Cholimex có lãi hơn 11 tỷ đồng từ buôn bán các loại gia vị như tương ớt, tương cà, nước mắm, nước tương...
Theo kế hoạch năm 2020, Cholimex đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng trưởng nhẹ 1,1% so với kết quả năm 2019, dự kiến đạt 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 160 tỷ đồng, giảm 23,3% so với năm trước.
Nguyên nhân hạ chỉ tiêu lợi nhuận được ban lãnh đạo công ty giải thích do tình hình kinh tế năm nay có nhiều bất ổn, tác động xấu đến hoạt động sản xuất. CMF hiện cũng đối diện tình trạng khan hiếm nguồn lao động tay nghề cao, làm ảnh hưởng tiến độ hoàn thành kế hoạch trong mùa cao điểm.
Cholimex là doanh nghiệp thuộc nhóm ngành thực phẩm với ngành nghề chính là sản xuất, chế biến, gia công và mua bán thực phẩm, suất ăn công nghiệp, thực phẩm đông lạnh, thủy hải sản các loại, nuôi trồng thủy sản nội địa, thủy sản biển…
Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Cholimex đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 50% tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 5.000 đồng. Cới 8,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Cholimex sẽ chi khoảng 40,5 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều thông tin thuận lợi hỗ trợ nhưng cổ phiếu CMF trên thị trường chứng khoán lại có rất ít biến động về giá. Tính đến phiên sáng ngày 17/8, cổ phiếu CMF đang có giá 161.000 đồng/cp, đi ngang so với phiên trước.
Tính từ đầu năm, số phiên cổ phiếu Cholimex thay đổi giá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù vậy, trải qua 154 phiên giao dịch, mã CMF cũng giảm 7.858 đồng mỗi cổ phiếu, tương đương giảm 4,6%.
Không những ít biến động về giá, cổ phiếu CMF có giao dịch nhỏ giọt, thường chịu cảnh “đóng băng” thanh khoản. Theo thống kê của HNX, từ ngày 27/7 – 14/8, cổ phiếu CMF không có bất cứ giao dịch nào và đi ngang tại mức giá 161.000 đồng/cp.