Cổ phiếu công nghệ rớt giá mạnh, thời kỳ hoàng kim đã chấm dứt?

Cổ phiếu công nghệ toàn cầu lao dốc kéo theo nhóm cổ phiếu công nghệ Việt Nam, trong đó FPT – "cỗ máy tăng trưởng" của ngành đã rơi về vùng đáy tháng 11/2024...

con-sot-ai.jpg

Sau giai đoạn liên tục đi lên mạnh mẽ phá vỡ nhiều kỷ lục, các cổ phiếu công nghệ hàng đầu thế giới (bigtech) như NVIDIA, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ Google), META Platform (công ty mẹ Facebook),… đều đã quay đầu giảm mạnh. Vốn hóa thị trường “bốc hơi” hàng trăm tỷ USD trong thời gian ngắn.

Hiệu ứng lan rộng trên nhóm cổ phiếu công nghệ toàn cầu. Cổ phiếu của công ty dịch vụ phần mềm hàng đầu Ấn Độ là Infosys cũng mất 21% từ đỉnh gần nhất hồi giữa tháng 12/2024.

ÁP LỰC BÁN RÒNG TỪ KHỐI NGOẠI KÉO FPT VÀO ĐÀ GIẢM SÂU

Tại Việt Nam, cổ phiếu FPT cũng không nằm ngoài xu hướng này. Kết thúc phiên giao dịch 20/3, cổ phiếu công nghệ này ghi nhận mức hồi phục nhẹ, đóng cửa tại 125.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, so với vùng đỉnh 156.000 đồng/cổ phiếu, mã này đã giảm hơn 20%.

Tính theo mức giá đóng cửa phiên 20/3, giá trị vốn hóa của FPT hiện đạt hơn 183.883 tỷ đồng. Nếu so với vùng đỉnh vào hồi cuối tháng 1/2025, ước tính vốn hóa thị trường của Tập đoàn công nghệ số một Việt Nam đã “bốc hơi” gần 44.000 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, FPT rơi xuống vị trí thứ 7 trong danh sách những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất. Nếu xét riêng nhóm doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn này đã rời khỏi top 3. Trước đó, sau một thời gian dài “độc chiếm” vị trí số 1, FPT đã chính thức bị "bộ đôi" VIC – VHM của nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng "vượt mặt".

Năm 2024, thị giá cổ phiếu FPT đã có 41 lần phá đỉnh, tăng tới 82% khi kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12, đạt 152.500 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa đạt 224.395 tỷ đồng, tăng khoảng 103.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp này vượt Hòa Phát, Vingroup, Vinhomes... thành công ty tư nhân có giá trị lớn nhất thị trường.

Cổ phiếu FPT liên tục lao dốc trong một tháng qua, chủ yếu do áp lực chốt lời mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng tháng 3, khối ngoại đã bán ròng hơn 3.200 tỷ đồng cổ phiếu FPT, với đỉnh điểm là phiên 19/3 khi giá trị bán ròng vượt 1.000 tỷ đồng – mức cao kỷ lục. Dù áp lực giảm bớt trong phiên 20/3, FPT vẫn là mã bị xả mạnh nhất thị trường với tổng giá trị gần 290 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2025-03-21-luc-145709.png
Diễn biến cổ phiếu FPT trong thời gian qua

Làn sóng bán ròng khiến room ngoại tại FPT “hở” hơn 80 triệu đơn vị, tương ứng khoảng 5,44%, kéo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài xuống 43,56% – mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Đây cũng là khoảng trống room ngoại dài nhất mà "ông lớn" công nghệ này từng ghi nhận.

Trước đây, FPT luôn là "thỏi nam châm" hút dòng vốn ngoại khi room nước ngoài thường xuyên chạm trần 49% và nhanh chóng được lấp đầy mỗi khi “hở” ra do các chương trình ESOP.

Áp lực xả hàng không chỉ kéo giá cổ phiếu FPT đi xuống mà còn gây chao đảo cho nhiều quỹ đầu tư lớn. Đến cuối tháng 2, FPT vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong danh mục của các quỹ như Dragon Capital VAF, Dragon Capital VEF, SSIAM SCA, DCDS hay Vietnam Holding.

Với mức giảm 20% từ đỉnh và hơn 10% so với cuối tháng 2, tỷ suất sinh lời của những quỹ này chắc chắn chịu tác động. Trước đó, cổ phiếu FPT từng giúp nhiều "tay to" thu về khoản lợi nhuận khủng nhờ đà tăng trưởng bứt phá trong năm ngoái.

Sự suy giảm của cổ phiếu FPT cũng khiến tài sản của các lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp biến động mạnh, mất hàng trăm, nghìn tỷ đồng chỉ trong nửa đầu tháng 3.

Trong nhóm công nghệ, một số cổ phiếu khác như FOX (Viễn thông FPT), CMG (Công nghệ CMC), ELC (Công nghệ - viễn thông ELCOM) cũng ghi nhận diễn biến tiêu cực trong thời gian qua.

THỜI HOÀNG KIM CỦA CỔ PHIẾU CÔNG NGHỆ ĐÃ KẾT THÚC?

Sự trỗi dậy của các startup đến từ Trung Quốc như mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) giá rẻ DeepSeek hay AI Agent tự chủ đầu tiên trên thế giới Manus, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghệ. Sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến các "ông lớn" công nghệ toàn cầu như NVIDIA, Microsoft và Alphabet, mà còn tác động mạnh đến nhóm cổ phiếu trong nước nói chung và cổ phiếu FPT nói riêng.

Mô hình AI giá rẻ đang làm dấy lên lo ngại của nhà đầu tư về sự suy giảm giá trị thị trường AI, dù vẫn còn nhiều hoài nghi về chi phí phát triển.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có thời gian để đánh giá chính xác hơn mức độ ảnh hưởng của các mô hình AI mới đến lĩnh vực công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận triển vọng tăng trưởng tích cực của lĩnh vực này.

Theo Gartner, tổng chi tiêu toàn cầu cho phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng lần lượt 14% và 9,4% so với cùng kỳ vào năm 2025 khi các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số để áp dụng công nghệ mới.

kbsv.jpg

Dù vậy, trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán KBSV cho rằng xu hướng sử dụng AI trong các doanh nghiệp và tổ chức sẽ diễn ra mạnh mẽ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ thúc đẩy chi tiêu toàn cầu cho phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Bộ phận phân tích kỳ vọng FPT sẽ tiếp tục bắt kịp các xu hướng mới nhằm đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại các thị trường trọng điểm.

Tương tự, báo cáo mới đây của ACBS cho rằng, dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài vẫn là mảng hứa hẹn tăng trưởng tốt nhất trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho các dịch vụ công nghệ thông tin, với lợi thế chi phí thấp.

“Các công ty Việt Nam còn có thể gây ấn tượng với khách hàng về sự nhiệt tình, khả năng thích ứng, chăm chỉ… và hưởng lợi từ xu hướng tìm kiếm đối tác khác ngoài Trung Quốc và tình trạng thiếu lao động ở nhiều nước”, ACBS nhận định.

Xem thêm

Ngành công nghiệp tiền điện tử sẽ đi về đâu?

Ngành công nghiệp tiền điện tử sẽ đi về đâu?

Với tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp trị giá 3 nghìn tỷ USD hiện nay, Giáo sư Eswar Prasad, giáo sư thương mại quốc tế tại Đại học Cornell và là tác giả của cuốn sách “Tương lai của tiền tệ” xuất bản năm 2021, nói về các thế lực đang phá vỡ công nghệ tài chính...

Có thể bạn quan tâm

 Vinpearl, TCBS, Hoa Sen và những cuộc chơi tỷ đô

Vinpearl, TCBS, Hoa Sen và những cuộc chơi tỷ đô

Giữa những thách thức của nền kinh tế, các "ông lớn" như Vingroup, Techcombank, Tập đoàn Hoa Sen vẫn đang âm thầm tìm kiếm cơ hội tái cấu trúc và mở rộng hoạt động kinh doanh. Một trong những chiến lược họ nhắm tới chính là IPO các công ty con...

Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan trở thành cổ đông lớn Yeah1

Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan trở thành cổ đông lớn Yeah1

Trong bối cảnh thị trường truyền thông và giải trí cạnh tranh khốc liệt, Yeah1 ghi dấu ấn bằng kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý đầu năm 2025. Doanh nghiệp này còn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại khi một quỹ lớn đến từ Phần Lan chính thức trở thành cổ đông lớn...

"Họ Vin” khởi đầu 2025 rực rỡ, lợi nhuận quý 1/2025 lập kỷ lục

"Họ Vin” khởi đầu 2025 rực rỡ, lợi nhuận quý 1/2025 lập kỷ lục

Sau một năm 2024 đầy biến động, hệ sinh thái Vingroup bước sang năm 2025 với khí thế bứt phá ngoạn mục, thể hiện rõ qua loạt báo cáo tài chính quý 1 từ các "trụ cột" trong tập đoàn (bất động sản, sản xuất đến bán lẻ0 đồng loạt ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng...

Công ty chứng khoán nào đang cho vay margin cao nhất?

Công ty chứng khoán nào đang cho vay margin cao nhất?

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2025 với cuộc đua margin sôi động chưa từng có, khi hàng loạt công ty chứng khoán như VPS, Kafi, SSI, VCBS và VPBankS liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới về tăng trưởng dư nợ...

S&P 500 tăng nhẹ trước thềm công bố các báo cáo quan trọng

S&P 500 tăng nhẹ trước thềm công bố các báo cáo quan trọng

S&P 500 đã có một phiên giao dịch đầy biến động do áp lực từ nhóm cổ phiếu công nghệ, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi loạt thông tin quan trọng về dữ liệu kinh tế và báo cáo lợi nhuận từ một số tập đoàn lớn nhất nước Mỹ…