
Thị trường bước vào nhịp tăng mới, với dấu ấn từ những luật, nghị định vừa được thông qua. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, công nghệ (FPT, CMG), bất động sản, cổ phiếu hưởng lợi từ mức thuế quan hợp lý (ANV, nhóm dệt may) đang dẫn dắt.
Với diễn biến thị trường đang vận động rất tích cực và có thể cán đích 1.400 điểm, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã có những nhận định thêm về nhóm cổ phiếu trụ trong thời gian tới.
Ông đánh giá vai trò của các cổ phiếu trụ cột trong đợt tăng lên 1.400 điểm sắp tới như thế nào?
Tôi cho rằng trong xu hướng tăng ở giai đoạn này, phần lớn sẽ liên quan nhiều đến nhóm cổ phiếu chỉ số, đặc biệt trong rổ VN-30. Những cổ phiếu vốn hóa lớn có thể tích cực, giúp chỉ số vượt qua những vùng cản mạnh, lên đỉnh cao mới.
Ở đầu sóng, để vượt qua những vùng khó khăn, những cổ phiếu như VIC, VHM đã hỗ trợ cho VN-Index. Sau đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở lại dẫn sóng, giúp thị trường đi lên nhịp mới. Đến giai đoạn hiện nay, đà lan tỏa ra các nhóm ngành đã xuất hiện rất rõ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, có thể xảy ra hiện tượng chỉ số tăng nhanh hơn thanh khoản. Trong hai tuần vừa qua, điểm số đi lên rất tốt nhưng vì sự lan tỏa chưa rõ ràng, thanh khoản chỉ tăng ở mức thấp, từ 5 -7%.
Việc vượt qua được các vùng kháng cự sẽ là yếu tố tiên quyết, giúp cho thanh khoản thị trường tăng trở lại, hỗ trợ các nhóm cổ phiếu khác đi lên, sau khi nhóm vốn hóa lớn đã dẫn dắt xu hướng.
Ông đánh giá thế nào về việc khối ngoại bán ròng gần 42.000 tỷ đồng từ đầu năm?
Con số bán ròng 42.000 tỷ đồng có phần ảnh hưởng từ yếu tố vĩ mô, đặc biệt câu chuyện chiến tranh thương mại. Sau thời điểm tháng 4, khi ông Donald Trump công bố mức thuế rất cao lên Việt Nam, thị trường chứng khoán đã bị ảnh hưởng. Giai đoạn tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã bán rất mạnh tại các thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong nửa đầu năm, quy mô bán ròng tương đối cao, nhưng không cao bằng giai đoạn năm 2024.
Trong 10 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều vào năm 2017 – 2018 khi có nhiều thương vụ thoái vốn doanh nghiệp lớn, IPO, niêm yết. Kết hợp với kỳ vọng nâng hạng nên nhà đầu tư nước ngoài từng có giai đoạn giải ngân mạnh mẽ, lên tới trên 2 tỷ USD.
Nhưng sau đó, Việt Nam rơi vào giai đoạn điều chỉnh do đại dịch Covid-19. Năm 2020 - 2021, kỳ vọng nâng hạng không đạt được, nên nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán vẫn trong xu hướng đi lên rất mạnh mẽ, trở thành một trong những giai đoạn tăng mạnh nhất lịch sử. Nhà đầu tư bán ròng mạnh mẽ, nhưng với nền lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng cao thì thị trường chứng khoán gần như không có sự phản ứng rõ rệt.
Vào năm 2024, nhà đầu tư rút khoảng 3 tỷ USD do yếu tố biến động tỷ giá do đồng USD tăng mạnh. Đến đầu năm 2025, câu chuyện liên quan đến thuế quan đối ứng lại tạo áp lực rút vốn ngoại.
Mặc dù năm 2024 bị bán ròng mạnh nhưng thị trường chỉ bị rung lắc, điều chỉnh. Sau các nhịp điều chỉnh lại, chỉ số lại tiếp tục đi lên. Sang năm 2025, sau giai đoạn bán ròng mạnh của tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu hạn chế bán ra. Đến tháng 5 – 6, nhà đầu tư nước ngoài thậm chí còn mua trở lại. Trạng thái bán ròng lớn nhất trong năm 2025 đã qua đi, ảnh hưởng tới thị trường vào tháng 4 rất rõ nét, nhưng cũng đã không còn.
Từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, tôi rất kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm có động thái trở lại, đặc biệt khi hoạt động nâng hạng thị trường của Việt Nam được Chính phủ chỉ đạo rất gắt gao. Những yếu tố này sẽ mang tính chất thúc đẩy, thu hút dòng vốn ngoại trở lại. Hai năm vừa qua, khối ngoại bán rất mạnh nhưng thị trường không giảm, một khi nhà đầu tư nước ngoài giải ngân, thị trường sẽ tăng rất tốt.
Sự vận động của các nhóm ngành gắn với việc thông qua nhiều dự luật mới?
Trong tuần vừa qua, Quốc hội thông qua nhiều dự án luật quan trọng, mang tính chất bản lề cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong chu kỳ 10 – 20 năm tới. Những dự luật này sẽ ảnh hưởng rất sâu sắc đến kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam.
Nghị quyết về Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam được xây dựng với mục tiêu đưa Việt Nam vào top 75 trung tâm tài chính toàn cầu. Dự luật mang đến sự ưu đãi đặc biệt, bao gồm thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp (10% trong 30 năm) và miễn thuế thu nhập cho cá nhân, người nước ngoài đến năm 2030, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tài sản mã hóa tiền mã hóa. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/9/2025 tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Những ưu đãi vượt trội về thuế, nới lỏng chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ thu hút nhiều tổ chức đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực như tài chính, công nghệ cao, tài sản số. Khi nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, giải ngân, những nhóm bất động sản ở Đà Nẵng và TP.HCM sẽ có dư địa tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhóm tài chính – fintech sẽ hưởng lợi từ việc khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Ngoài ra, Việt Nam đạt được cột mốc quan trọng: Thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số vào ngày 14/06/2025, mở ra khung pháp lý, công nhận tài sản kỹ thuật số và tiền điện tử.
Về trung dài hạn, luật mới sẽ thay đổi yếu tố pháp lý về tài sản, thay đổi nhiều thủ tục, mời gọi nhà đầu tư, hỗ trợ một số nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, BIDV, CTG, VPB, TCB, hoặc cổ phiếu công nghệ, chứng khoán như FPT, SSI.
Ngoài ra, Luật Khoa học Công nghệ, đổi mới sáng tạo yêu cầu thay đổi nền kinh tế nghiêng về chất, phát triển khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống hạ tầng số, thúc đẩy kinh tế số, an ninh mạng.
Vừa qua, Việt Nam đã sáp nhập nhiều tỉnh thành, giảm bộ máy hành chính. Việc giảm bộ máy hành chính một cách cơ học đòi hỏi phải đầu tư, chuyển đổi số rất nhanh và mạnh. Khi đó, Việt Nam cần nền hạ tầng số hiện đại, trung tâm dữ liệu mạnh, đảm bảo hoạt động giấy tờ, thanh toán, thủ tục… nhanh chóng, thông suốt.
Khi giải quyết được vấn đề này, Việt Nam sẽ kỳ vọng thu hút 3 tổ chức công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở. Quy định mới sẽ thay đổi bản chất dòng vốn đầu tư, công nghệ và sự tương tác nền tảng xã hội, thủ tục giấy tờ... Công nghiệp IOT và điện toán đám mây trong giai đoạn tới dự kiến phát triển rất mạnh mẽ. Khi đó, hệ thống hạ tầng số, trung tâm dữ liệu sẽ cần được phát triển, đưa dữ liệu về lưu trữ tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển hạ tầng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách mới sẽ tác động tích cực sẽ đến doanh nghiệp hàng đầu như Viettel, FPT.
Những doanh nghiệp công nghệ đang niêm yết như CMG, VGI hay HPG, REE cũng có thể hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển đổi hạ tầng số, nâng cao hoạt động đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới. Cổ phiếu công nghệ đang có sự vận động tích cực trước thông tin trên. FPT, CMG hay nhóm Viettel trong thời gian gần đây đã ghi nhận đà tăng trưởng tốt.
Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được luật hóa vào Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng đóng vai trò rất quan trọng. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã trao quyền cho các ngân hàng xử lý tài sản, mở rộng phạm vi áp dụng cho nhiều khoản nợ xấu.
Quy định mới sẽ giúp cho hoạt động xử lý nợ xấu nhanh chóng, thông thoáng hơn. Qua đó, Chính phủ kỳ vọng giảm tỷ lệ nợ xấu từ khoảng 4,3% xuống dưới 3%. Luật mới có thể giúp chi phí trích lập dự phòng của ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng. Với doanh nghiệp bất động sản, những thông tin này có thể giúp cải thiện thanh khoản thị trường, hỗ trợ nhiều công ty bất động sản tiếp cận nguồn vốn quan trọng. Khi ngân hàng cải thiện lợi nhuận, thị trường bất động sản có diễn biến tích cực hơn thì cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ hưởng lợi.
Ngoài ra, quy định giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% sẽ kích thích lĩnh vực tiêu dùng trong nước, hỗ trợ ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng tăng doanh thu và lợi nhuận trong ngắn và trung hạn. Nhóm cổ phiếu hưởng lợi bao gồm MWG, DGW, FRT, MSN PNJ hay những công ty phân phối ô tô như HAX.
Ông đang đánh giá thế nào về ngành bất động sản công nghiệp?
Theo một số tổ chức tài chính lớn như Nomura, HSBC, mức thuế áp lên Việt Nam sẽ vào khoảng 23-24%. Theo dự báo và một số thông tin mà chúng tôi có được, có thể mức thuế Việt Nam chỉ ở khoảng 15 – 18%.
Nếu trường hợp thứ hai trở thành hiện thực, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, thủy sản, dệt may sẽ tăng rất tốt. Với thuế quan thấp như vậy, khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác, đặc biệt là người láng giềng Trung Quốc sẽ cải thiện hơn rất nhiều. Với thuế quan ở mức cạnh tranh, Việt Nam sẽ dễ thở hơn trong việc xuất khẩu sang Mỹ.
Đồng thời, dòng vốn FDI có thể tiếp tục tìm đến Việt Nam. Lần này, dòng vốn sẽ không chuyển dịch một cách cơ học mà sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam nhằm đảm bảo được hưởng lợi từ thuế quan đối ứng. Những hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa thấp, xuất xứ nguồn gốc không hoàn toàn từ Việt Nam có thể vẫn sẽ chịu thuế cao.
Yếu tố này được kỳ vọng trở thành lực đẩy giúp doanh nghiệp FDI tăng tỷ lệ nội địa hóa, chuyển giao công nghệ. Nhờ đó, Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ mới, tăng năng suất lao động và tạo động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.