Đồng pha với đà hồi phục chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng tuần qua ghi nhận sắc xanh trở lại khi có đến 22/27 mã tăng giá.
Trong đó, VPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có mức tăng mạnh nhất với 4,8%. Là một trong những ngân hàng sở hữu mức vốn hóa lớn nhất toàn ngành, với mức tăng này, VPB cũng là cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới chỉ số VN-Index tuần qua. Kết tuần, thị giá VPB dừng ở mức 21.950 đồng/cổ phiếu.
Xếp sau là cổ phiếu KLB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) với mức tăng 4,5%. Cổ phiếu này đi ngang trong cả 3 phiên đầu tuần và tăng vọt gần 6% trong phiên 12/10. Đóng cửa tuần, mã KLB ghi nhận ở mức 12.500 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần giao dịch vừa qua, những ngân hàng có vốn hóa lớn cũng có diễn biến tích cực khi đồng loạt kết tuần trong sắc xanh. Điển hình như mã ACB (+3,9%); VIB (+3,3%); CTG (+2,1%); BID (+0,7%); TCB (+0,5%); VCB (+1,4%), MBB (+1,7%); SSB (+1,2%).
Tương tự, một số cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tích cực trong tuần như: LPB (+3,3%); HDB (+2,9%); VBB (+2,7%); TPB (+2,7%); EIB (+2,3%); STB (+1,8%); NVB (+1,7%); ABB (+1,5%); BVB (+1,3%); VAB (+1,1%); SHB (+0,9%); MSB (+0,7%).
Ở chiều hướng giảm điểm, 4 mã giảm giá trong tuần là OCB, BAB, NAB và PGB, tuy nhiên mức điều chỉnh giảm không quá lớn, đều dưới mức 2%. Trong đó, OCB giảm nhiều nhất là 1,9%, xuống còn 13.000 đồng/cổ phiếu. BAB giảm 1,5%; NAB giảm 1,2%; PGB giảm 0,6%. Theo đó, thị giá của những mã cổ phiếu này lần lượt về còn 13.400 đồng/cổ phiếu; 13.500 đồng/cổ phiếu; và 28.100 đồng/cổ phiếu.
Cũng trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu SGB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank) là mã duy nhất đứng giá trong toàn ngành ngân hàng. Theo đó, trên thị trường, giá cổ phiếu PGB kết tuần dừng ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm trong tuần này, khi chỉ có hơn 500 triệu cổ phiếu được giao dịch, thấp hơn 15% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch tương ứng ở mức 10.316 tỷ đồng.
Dù vẫn dẫn đầu toàn ngành với hơn 1.600 tỷ đồng được giao dịch trong tuần, tuy nhiên mức thanh khoản này của STB chỉ bằng 60% so với tuần trước đó và bằng một nửa so với mức trung bình nhiều tháng trở lại đây. Ngoài ra, chỉ còn VPB có giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng trong tuần này, các mã như ACB, HDB, MBB, TPB... dao động quanh mức 600 - 750 tỷ đồng.
Trong tuần, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 212 tỷ đồng cổ phiếu VPB, cao nhất toàn ngành cùng 49 tỷ đồng BID. Ngược lại, STB có được sự quan tâm của khối ngoại khi được mua ròng 63 tỷ đồng, cao nhất toàn thị trường. Khối tự doanh tiếp tục có động thái tương tự khi bán ròng 68 tỷ đồng VPB, cùng 47 tỷ đồng VCB và 44 tỷ đồng TCB.
Về những sự kiện nổi bật trong ngành ngân hàng tuần qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB) đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 18/11. Đại hội sẽ xem xét việc miễn nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Tiến Dũng theo đơn từ nhiệm mà ông đã gửi trước đó.
Đồng thời, đại hội bầu bổ sung ba Thành viên Hội đồng quản trị gồm các ứng viên: ông Dương Thế Bằng, bà Nguyễn Thị Hài Hòa và ông Nguyễn Hoàng Anh Quân. Cả ba cá nhân này đều chưa có chức danh tại NCB và đều đến từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời.
Mới đây, Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
Theo đó, BIDV dự kiến sẽ phát hành thêm tối đa 642 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị phát hành theo mệnh giá là 6.419 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành dự kiến bằng 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành.
Nếu phát hành thành công toàn bộ số cổ phiếu trên, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 50.585 tỷ đồng lên 57.006 tỷ đồng, trở thành thành viên Big4 có vốn điều lệ cao nhất và đứng thứ hai toàn hệ thống, chỉ sau VPBank.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), ông Lê Quốc Long, Quyền Tổng Giám đốc SeABank, mới đây đã đăng ký bán ra hơn 5 triệu cổ phiếu SSB của SeABank với mục đích cơ cấu tài chính cá nhân. Giao dịch được dự kiến thực hiện bằng phương thức thoả thuận và/hoặc khớp lệnh từ ngày 18/10 đến ngày 16/11. Nếu giao dịch thành công, ông Long sẽ giảm số cổ phiếu sở hữu xuống 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,131%.
Ngoài ra, SeABank chuẩn bị phương án phát hành 42 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu. Mệnh giá của cổ phiếu chào bán là 10.000 đồng và tổng giá trị phát hành theo mệnh giá sẽ là 420 tỷ đồng. Thời gian phát hành là trong năm 2023.