Thống đốc: Chưa thể bỏ room tín dụng vì rủi ro nợ quốc gia vẫn còn lớn

Việc dỡ bỏ room tín dụng cần được tiếp cận một cách thận trọng, đảm bảo đồng bộ các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với thị trường...

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Thay mặt Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng mới có báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng , trong đó có nội dung nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.

Báo cáo nêu rõ, hiện áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro trong khi rủi ro nợ quốc gia vẫn còn lớn đang gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

“Việc dỡ bỏ biện pháp này cần được tiếp cận một cách thận trọng, đảm bảo đồng bộ các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường”, Thống đốc cho hay.

Cơ chế room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước triển khai từ năm 2011 nhằm hạn chế tình trạng tín dụng tăng trưởng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn hệ thống (giai đoạn 2007-2010, tăng trưởng tín dụng bình quân cả hệ thống khoảng 36%/năm).

Quá trình triển khai biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm (cá biệt có năm tăng 53,8%) xuống còn khoảng từ 12-14%/năm trong những năm gần đây. Từ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định dưới 4%.

Đồng thời, biện pháp này đã góp phần thúc đẩy các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động, giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được thì hệ thống tổ chức tín dụng vẫn còn một số vấn đề như có sự phân hóa giữa các ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo chưa được giải quyết triệt để, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng tăng... ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Đến nay, đặc thù nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng để cung ứng cho các nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.

Nhất là trong bối cảnh thị trường vốn phát triển chưa tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế và hiện đang gặp nhiều khó khăn thì áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) tiếp tục đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản (khi tổ chức tín dụng chủ yếu huy động ngắn hạn nhưng cho vay trung dài hạn).

Trong khi đó, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn.

Đặc thù nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng để cung ứng cho các nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, áp lực cung ứng vốn cho quá trình phục hồi kinh tế là rất lớn, nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng nên tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô như cảnh báo của một số tổ chức quốc tế.

Đồng thời áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, thách thức cho công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Với điều kiện kinh tế đặc thù của Việt Nam như trình bày nêu trên, nếu tổ chức tín dụng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát thông qua cả hệ thống các chỉ tiêu an toàn hoạt động và hạn mức tăng trưởng tín dụng, thì hệ thống tổ chức tín dụng có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011.

“Điều đó không chỉ tạo nợ xấu gia tăng và đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng, mà còn rủi ro gây bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế, rủi ro lạm phát”, báo cáo nhấn mạnh.

Hiện nay trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện kết hợp triển khai đồng bộ việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng với việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tổ chức tín dụng qua đó ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, để tiến tới và kiểm soát tín dụng thông qua các chỉ số an toàn, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế.

“Tuy nhiên, điều này cũng cần song hành với việc triển khai hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao vai trò và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào kênh vốn tín dụng ngân hàng”, Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Xem thêm

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ nút thắt tín dụng

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ nút thắt tín dụng

Về tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên…

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...