Từ đầu tháng 9 đến nay, đồng pha với xu hướng chung của thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến không mấy khả quan, chứng kiến nhiều tuần giảm giá liên tiếp.
Trong tuần giao dịch (2 - 6/10), nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục ghi nhận diễn biến tiêu cực khi có tới 24 mã giảm giá và chỉ có 3 mã tăng. Trong đó, mã NVB của Ngân hàng Quốc Dân (NCB) có mức giảm mạnh nhất lên đến -9,9% và kết tuần ở mức 11.800 đồng/cổ phiếu. Trong tuần, có thời điểm cổ phiếu của ngân hàng này chạm xuống mốc 11.000 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây.
Kế tiếp là mức giảm mạnh -5,9%; -5,4% và -5% tại các mã cổ phiếu TPB, ABB, EIB. Theo đó, thị giá của những mã này lần lượt đóng cửa tuần ở mức 16.800 đồng/cổ phiếu, 8.300 đồng/cổ phiếu và 17.050 đồng/cổ phiếu.
Đối với mức giảm trên 3% còn có các mã như: VIB (-3,4%); SHB (-3,6%); KLB (-4,1%); VBB (-4,5%). Ở mức giảm nhẹ hơn là các cổ phiếu ngân hàng LPB (-0,7%); BAB (-0,7%); PGB (-0,8%); OCB (-1,1%); HDB (-1,4%); SGB (-1,5%); SSB (-2%); VAB (-2,6%); NAB (-2,8%).
Tương tự, những ngân hàng có vốn hóa lớn cũng ghi nhận diễn biến tiêu cực, lần lượt kết tuần trong sắc đỏ như BID (-4,8%); TCB (-4,8%); CTG (-4,5%); VPB (-3,5%); VCB (-2,4%); ACB (-0,2%); MBB (-1,9%).
Ở chiều hướng tăng điểm, 3 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần là STB (+1%), BVB (+1%) và MSB (+0,7%). Song những mã cổ phiếu này chỉ nhích nhẹ so với tuần trước đó, không có mã nào tăng vượt mức 1%. Kết thúc tuần giao dịch (2 - 6/10), thị giá những mã này ở mức tương ứng là 30.950 đồng/cổ phiếu; 10.500 đồng/cổ phiếu; 13.850 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu "vua" cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể so với các tuần trước đó. Cụ thể, trong 5 phiên giao dịch, có tổng cộng 592 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 12.200 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với tuần trước đó và thấp hơn gần 50% so với mức trung bình tuần của tháng 8, đầu tháng 9.
Trong đó, thanh khoản của STB tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với giá trị đạt hơn 2.700 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi giá trị giao dịch của cổ phiếu VPB đứng kế sau đó. Dù vậy, giá trị giao dịch này của cổ phiếu STB vẫn thấp hơn 27% so với tuần trước đó. Ngoài STB và VPB, chỉ còn TCB có giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng trong tuần qua.
Trong tuần diễn biến ảm đạm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 123 tỷ đồng cổ phiếu CTG và 81 tỷ đồng VPB, 40 tỷ đồng VCB; ngược lại không mua ròng cổ phiếu nào quá 20 tỷ đồng.
Đây cũng là xu hướng của nhóm tự doanh các công ty chứng khoán khi nhóm này bán ròng 138 tỷ đồng EIB, mức cao nhất thị trường tuần qua, 66 tỷ đồng MBB và 34 tỷ đồng VPB. Dù vậy, khối tự doanh vẫn mua ròng 46 tỷ đồng STB.
Trong tuần qua, ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận biến động nhân sự tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Cụ thể, LPBank đã miễn nhiệm hai Phó Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Ngọc Nam và ông Nguyễn Quý Chiến, kể từ ngày 1/10 theo đơn xin thôi việc của hai vị lãnh đạo.
Trước đó, Hội đồng quản trị PGBank đã nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và rút khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Phi Hùng vì lý do cá nhân. Ông Hùng xin từ nhiệm chỉ sau 3 tháng nhận chức Chủ tịch.
Ngân hàng VIB cũng vừa công bố thông tin tái bổ nhiệm đối vị trí Tổng giám đốc. Theo đó, VIB tái bổ nhiệm ông Hàn Ngọc Vũ làm Tổng giám đốc trong 4 năm, từ ngày 1/10 đến 30/9/2027.
Ngân hàng Vietbank cũng vừa công bố công văn chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về bổ nhiệm bà Trần Tuấn Anh giữ chức tổng giám đốc. Vietbank khuyết chức danh này từ tháng 10/2021.
Tương tự, ngân hàng ABBank đã có quyết định cử ông Phạm Duy Hiếu (45 tuổi) - Phó tổng giám đốc làm quyền Tổng giám đốc thay bà Lê Thị Bích Phượng
Kể từ ngày 3/10, ông Nguyễn Hoàng Hải được hội đồng quản trị bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc ngân hàng Eximbank . Ông Hải năm nay 45 tuổi, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế tại Đại học Tổng hợp Radboud (Hà Lan). Ông Hải có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc VietinBank tăng vốn điều lệ thêm gần 5.643 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Ngân hàng dự kiến phát hành thêm tối đa 564,3 triệu cổ phiếu vào quý 3 và quý 4/2023, tương đương với 11,7% số cổ phần lưu hành.
Bên cạnh đó, ngân hàng SHB dự kiến phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, ước thu về 451 tỷ đồng, giúp nâng vốn điều lệ lên gần 37.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngân hàng VPBank đã chào bán xong toàn bộ 30 triệu cổ phiếu quỹ cho nhân viên, giúp tăng tổng số cổ phiếu đang lưu hành lên 6,743 tỷ cổ phiếu, ước thu về hơn 300 tỷ đồng.
Một thông tin đáng chú ý khác, Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Tổng Giám đốc SeABank, đã đăng ký bán ra hơn 7 triệu cổ phiếu của ngân hàng. Liên tục kể từ tháng 8 đến nay, nhiều lãnh đạo và người có liên quan tại SeABank đã đăng ký bán ra cổ phiếu SSB.