Cổ phiếu ngành xây lắp căng mình đón gió đầu tư công

Trong năm nay, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công sẽ giúp đẩy mạnh tiến độ xây dựng và ghi nhận doanh thu tại các dự án hạ tầng giao thông...
Đầu tư công
Giải ngân đầu tư công tăng trưởng nhưng vẫn khó hoàn thành kế hoạch

Chứng khoán Mirae Asset vừa có báo cáo triển vọng ngành xây lắp năm 2023 với điểm nhấn giải ngân đầu tư công và việc trúng thầu các công trình lớn.

Tốc độ giải ngân không như mong đợi

Giá trị giải ngân đầu tư công liên tục tăng là dấu hiệu tích cực cho thấy số giải ngân sẽ tiếp tục tăng trong các tháng sau. Tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 809.245 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đã giao là 796.358 tỷ đồng.

Xét theo từng tháng, số giải ngân đầu tư công trong tháng 5 đạt 46.569 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7% so với tháng liền trước. Tuy nhiên, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết ngày 31/5/2023 là 157.095 tỷ đồng chỉ đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Giai đoạn 2023-2024 dự báo sẽ là cao điểm giải ngân đầu tư công, mang đến nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.

Đầu tư công
Tình hình giải ngân đầu tư công trong 5 tháng đầu năm

Để hoàn thành kế hoạch Chính phủ đề ra, từ giờ cho đến cuối năm mỗi tháng cần giải ngân 68.744 tỷ đồng, cao hơn 47,6% so với tháng 5. Trong khi đó tháng 5 là tháng có mức giải ngân cao nhất từ đầu năm đến nay. Con số trên vừa là thách thức của Chính phủ, vừa tạo cơ hội cho nhóm các doanh nghiệp xây lắp hiện đang được tin tưởng giao cho các gói thầu xây lắp.

Công tác giải ngân chậm so với dự kiến bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến các yếu tố như do vướng mắc về thủ tục đất đai, giá vật liệu xây dựng tăng, chuẩn bị dự án chưa tốt, năng lực nhà thầu còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu một số giải pháp để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công như rà soát lại quy định pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh...các thành viên Chính phủ cũng trực tiếp làm việc với các địa phương để kịp thời giải quyết những khó khăn và đã ban hành 7 Công điện, 6 văn bản đôn đốc, hướng dẫn và làm việc trực tiếp.

Các doanh nghiệp xây lắp sẽ được hưởng lợi lớn từ việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà thị trường đưa ra như năng lực thi công tốt, giá trị backlog lớn, tài chính lành mạnh...

Kết quả kinh doanh không đồng đều

Trong 3 tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp xây lắp đạt kết quả kinh doanh có phần trái chiều. Cụ thể, trong khi C4G, HHV, FCN ghi nhận kết quả khả quan với mức tăng trưởng cao thì VCG, LCG lại ghi nhận mức giảm sâu lên đến 80%.

Việc trúng thầu cao tốc 2 giúp các doanh nghiệp như VCG, HHV, C4G có dòng tiền kinh doanh cải thiện trong quý đầu năm. Các doanh nghiệp này đã nhận được khoản tiền ứng trước để thực hiện các dự án đầu tư công, giúp có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thặng dư.

Đầu tư công
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của doanh nghiệp xây lắp

Quý 1/2023, C4G có doanh thu và lợi nhuận thuần ở mức 460 tỷ và 41 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,7% và 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo chia sẻ từ các ban lãnh đạo C4G thì khối lượng công việc đủ hoạt động trong 3 năm, hợp đồng ký mới năm 2023 có mức giá tốt hơn. Trong năm 2023, dự báo doanh thu thuần và lãi ròng đạt 3.381 tỷ và 398 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 162% so với quý cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, tổng kết năm 2022 trong khi đa số các công ty xây dựng gặp khó khăn thì HHV vẫn duy trì được sự ổn định với doanh thu đạt 2.095 tỷ đồng tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mirae Asset dự đoán rằng trong năm 2023 HHV có thể ghi nhận khoảng 3.600 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 427 tỷ đồng, tăng trưởng đến 55,2% so với năm 2022 bởi các yếu tố thuận lợi như: liên doanh của HHV và DCG đã trúng thầu 3 gói thầu trong dự án cao tốc Bắc Nam GĐ, sự hồi phục của ngành du lịch giúp cho hoạt động thu phí giao thông của HHV khả quan hơn, lãi suất hiện nay đã giảm so với cuối năm 2022.

Trái với các doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng tăng, LCG lại có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Doanh thu lợi nhuận sau thuế của LCG chỉ ở mức hơn 10 tỷ đồng giảm đến 80% so với quý cùng kỳ. Doanh nghiệp này không còn ghi nhận doanh thu tài chính do sang nhượng cổ phần trong quý 1, biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh từ 22,1% xuống còn 14,4 trong cùng kỳ.

Việc chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thêm vào đó là việc trúng thầu các công trình lớn giúp cho nhiều doanh nghiệp có dòng tiền ổn định, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp đạt kết quả doanh thu âm do yếu tố chủ quan.

Cơ hội cho các doanh nghiệp đủ năng lực

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo kế hoạch gửi Thủ tướng Chính phủ về việc khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM (76km) cùng 3 tuyến cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột (117km), Biên Hòa- Vũng Tàu (77,6km), Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng (188km) dự kiến được khởi công từ 18/6. Các doanh nghiệp xây lắp với năng lực và trình độ chuyên môn tốt sẽ có khả năng trúng các gói thầu trên.

Sau khi liên tiếp được chỉ định thầu tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận giá trị backlog tăng đáng kể. Trong 25 gói thầu các dự án cao tốc, một số doanh nghiệp đang niêm yết cũng trúng vào các gói thầu có giá trị cao như VCG, LCG, HHV, C4G.

Mirae Asset dự đoán các doanh nghiệp lớn như VCG, HHV, LCG, KSB, C4G sẽ có doanh thu tăng trưởng mạnh trong năm 2023 khi giải ngân đầu tư công đang được đẩy mạnh và các gói thầu lớn đang dự định được triển khai.

Cụ thể, VCG được đánh giá nổi bật hơn cả khi là công ty xây dựng có quy mô tài sản lớn nhất ngành lên đến hơn 32.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có mặt trong tất cả các lĩnh vực của ngành xây dựng, là nhà thầu uy tín của những dự án giao thông lớn.

Bằng việc có kinh nghiệm với các gói thầu xây dựng cảng hàng không, Mirae Asset cho rằng VCG là ứng cử viên sáng giá cho các gói thầu sân bay Long Thành. Trong năm 2023, VCG đặt mục tiêu doanh thu 16.340 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 860 tỷ đồng với tỷ lệ lần lượt là 170% và 92% so với năm 2022.

Siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gây hấp dẫn nhiều nhà thầu với tổng giá trị xây lắp lên tới 56.000 tỷ đồng (giai đoạn 1). Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà thầu tại gói 5.10 – gói thầu lớn nhất – xây dựng nhà ga hành khách tại đây vẫn đang liên tục bị trì hoãn do giá thầu thiếu hấp dẫn và thời gian thi công gấp gáp. 

Đây sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp trong ngành xây lắp có năng lực thi công tốt trúng thầu. Doanh thu của năm 2023 cũng được cải thiện đáng kể, vớt vát lại một năm 2022 không mấy khởi sắc của ngành xây lắp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm