Đóng cửa thị trường phiên 24/10, chỉ số VN-Index tăng 5,2 điểm lên 825,24 điểm. Thanh khoản sàn HOSE lên tới 6.222 tỷ đồng, nếu trừ đi 3.448 tỷ đồng thỏa thuận của cổ phiếu thì giá trị giao dịch hôm nay chỉ đạt 2.774 tỷ đồng. Nhiều mã vốn hoá lớn đã hồi phục giúp kéo chỉ số VN-Index tăng trở lại.
Hôm nay là một ngày giao dịch gay cấn, thị trường rung lắc mạnh và số mã đỏ chiếm áp đảo sau đợt tăng liên tục vừa qua.
Mở cửa thị trường sáng nay 24/10, chỉ số VN-Index rung lắc rất mạnh do áp lực bán vẫn tiếp tục từ các phiên vừa qua. Lúc 9h22 phút, VN-Index đã giảm tới 5,12 điểm xuống 814 điểm khi toàn thị trường có hơn 200 mã đỏ lửa. Nhóm các cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, bất động sản, gas… đồng loạt giảm điểm.
Cổ phiếu trụ ROS vào đầu phiên sáng cũng rung lắc, giảm mạnh 8,7 điểm về 142.000 đồng/CP, nhưng nhanh chóng quay đầu tăng. Dù khối lượng đặt mua – bán rất yếu so với thời điểm trước song giá ROS vẫn kiên trì đi lên, hỗ trợ cho VN-Index trụ vững mốc trên 820 điểm. Đến 9h26 phút, ROS quay đầu tăng điểm và tiến dần về đóng mức giá trần 161.300 đồng/CP chỉ trong vòng 1 tiếng sau đó. Tạm dừng phiên sáng, ROS vẫn neo giá trần với dư mua trần hơn 300.000 đơn vị.
Như vậy, sau 5 tháng biến động mạnh giảm sàn- tăng liên tục 20 phiên, cổ phiếu ROS tiếp tục gây chú ý khi tăng trần 5 phiên vừa qua, từ mức giá 115.600 đồng/CP lên mức trần 161.300 đồng/CP, tức tăng tới 39,53%... Đây là mức giá mà các quỹ ETF đã mua ROS trong kỳ cơ cấu danh mục hồi tháng 5/ 2017, quanh mức giá 160.000 đồng/CP. Sau đó ROS đã lao dốc không phanh về vùng đáy 78.000 đồng/CP và được lực cầu bắt đáy mạnh, quay đầu tăng khoảng 40 phiên.
Đáng chú ý, ở vùng giá đáy 78.000 đồng/CP, bà Trịnh Thị Thúy Nga, em gái Chủ tịch HĐQT Faros Trịnh Văn Quyết – đã mua vào 1 triệu cổ phiếu ROS hồi tháng 6 và 7 vừa qua. Với mức giá giao dịch ở vùng đáy (trước chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu), ước tính bà Nga đã chi gần 80 tỷ đồng để gom cổ phiếu ROS. Đến thời điểm này, khi ROS đã tăng tới 118% so với giá đáy (sau chia 74.000 đồng/CP), nhẩm tính khoản đầu tư cổ ROS của bà Nga đã có lời 87,3 tỷ đồng, cộng với khoản cổ tức 10% (khoảng 8,7 tỷ đồng).
Nhờ nhóm cổ phiếu trụ cột như ROS, VCB, CTB, SAB, VIC.. vẫn tăng điểm nên VNIndex sáng nay đã hồi phục tích cực, tăng 2,83 điểm và tạm dừng ở mốc 822.87 điểm. HNX-Index tăng nhẹ lên 106,13 điểm.
Khối lượng giao dịch trên Hose và HNX vẫn ở mức thấp chỉ 129 triệu đơn vị, tổng giá trị giao dịch lại tăng mạnh 4.820 tỷ đồng.
Trong phiên sáng, cổ phiếu VNM bất ngờ xuất hiện những thỏa thuận “khủng” gần 17,7 triệu đơn vị vào lúc 10h29, tương đương gần 2.700 tỷ đồng (giá 152.000 đồng/CP). Giao dịch này do khối ngoại thực hiện và tổng giao dịch sáng nay hơn 18 triệu đơn vị. Trước đó, cổ phiếu này cũng có những giao dịch thoả thuận với lệnh nhỏ hơn ở mức giá 148.000 đồng và 142.000 đồng.
Nhờ VNM giao dịch thỏa thuận lớn nên thanh khoản sàn HOSE tăng vọt lên gần 4.000 tỷ đồng vào lúc 10h30. Được biết, từ ngày 2/10 đến 31/10 là khoảng thời gian F&N Dairy đăng ký mua vào gần 21,77 triệu cổ phiếu VNM thông qua thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Đây là cổ đông lớn đang sở hữu 232,74 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng 16,04% vốn điều lệ công ty và liên tục có động thái mua vào. Nếu giao dịch thành công F&N Dairy sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk lên 17,54%.
Nhóm các cổ phiếu ngân hàng cũng hồi phục nhẹ sau mấy phiên đỏ lửa, như: VCB, ACB, MBB, STB… tăng điểm xanh trở lại, còn SHB, CTG, EIB… chỉ duy trì quanh mức giá tham chiếu. Riêng cổ phiếu BID, VIB vẫn giảm điểm dù VIB vừa công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan.
Hôm qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế (mã: VIB) vừa công bố đã được UBCK chấp thuận mua tối đa 57 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương ứng 10,1% vốn điều lệ của ngân hàng. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 1/11/2017 đến 30/11/2017 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Nếu tạm tính theo mức giá sáng nay 21.600 đồng/CP, VIB dự kiến phải bỏ ra hơn 1.231 tỷ đồng để mua vào gần 57 triệu cổ phiếu quỹ.
Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn trong rổ VN30 cũng ghi nhận sự hồi phục phiên sáng như STB, MWG, GAS, HPG, PVD, DXG, FPT,
Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn duy trì sắc xanh như: HCM, VND và AGR. Riêng cổ phiếu CTS tiếp tục giảm sàn về dưới mệnh giá, giao dịch ở mức 9.750 đồng/CP... Cổ phiếu SHS cũng giảm mạnh về mức 17.500 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ như KLF, HAI, HAR, QCG, CCL… vẫn trồi sụt tăng trần, giảm sàn liên tục khiến cho không ít nhà đầu tư hao hụt tài khoản.
>> ĐHCĐ bất thường FLC: Ẩn số sáp nhập FAM có vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng?