Cổ phiếu TVB vào diện cảnh báo, Chứng khoán Trí Việt khắc phục thế nào?

Cổ phiếu TVB hiện đang thuộc diện hạn chế giao dịch trên sàn HOSE do chậm nộp báo cáo tài chính quá 45 ngày và đồng thời vào diện bị cảnh báo từ ngày 27/6 tới.
Cổ phiếu TVB vào diện cảnh báo, Chứng khoán Trí Việt khắc phục thế nào?

Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt (mã chứng khoán: TVB) vừa có văn bản công bố biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Trước đó, ngày 20/6, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ban hành quyết định đưa cổ phiếu TVB vào diện bị cảnh báo từ ngày 27/6/2023, do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại Báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán là số âm và tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán.

Cụ thể, kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về số dư các khoản phải thu khác của công ty tại ngày 31/12/2022, bao gồm số tiền 480,7 tỷ đồng là các khoản chuyển tiền trong năm 2022 cho các doanh nghiệp, đối tác bên ngoài theo các Hợp đồng môi giới mua chứng khoán, được công ty giải trình để phục vụ mục đích hợp tác tìm kiếm cơ hội đầu tư chứng khoán.

Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc Công ty đã quyết định trích lập dự phòng tổn thất với tỷ lệ 70% số dư nợ của các khoản phải thu nói trên với số tiền 336,5 tỷ đồng, giá trị thuần của các khoản nợ phải thu trên Bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2022 là 144,2 tỷ đồng.

Theo TVB, do trong năm 2022 việc thực hiện các hợp đồng môi giới mua chứng khoán không thuận lợi và không được đồng bộ nên kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán hữu hiệu để đánh giá mục đích, đối tượng tham gia hợp tác và hiệu quả của các hợp đồng. Vì vậy, kiểm toán không thể đánh giá được về số dư, tính phân loại và trình bày của các khoản nợ phải thu và giá trị dự phòng tổn thất cần trích lập.

Về biện pháp và lộ trình khắc phục, TVB cho biết Hội đồng quản trị và Ban Tổng Giám đốc vẫn tích cực liên lạc với các đối tác để theo sát và đôn đốc thu hồi công nợ. Đối với hoạt động kinh doanh, Công ty sẽ tiếp tục tập trung vào thế mạnh là hoạt động tự doanh, tìm kiếm các cơ hội đầu tư để tối đa hóa lợi nhuận.

“Theo đánh giá từ phía Công ty, năm 2023 có thể thu hồi được từ 100 tỷ đến 150 tỷ đồng. Số công nợ còn lại dự kiến thu hết vào năm 2024. Khi thu hồi hết công nợ thì các khoản trích lập dự phòng sẽ được hoàn nhập vào kết quả kinh doanh trong kỳ và lợi nhuận sau thuế của Công ty sẽ tăng trở lại”, văn bản của TVB nêu.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TVB đang trong diện bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên chiều vì chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Tại thời điểm cuối phiên chiều 12/7, cổ phiếu TVB đang giao dịch quanh mức 5.650 đồng/cổ phiếu, so với thời điểm đáy vào tháng 11/2022 thì thị giá TVB đã tăng 82%. Vốn hoá thị trường của TVB ước đạt 633 tỷ đồng.

cổ phiếu TVB
Thị giá TVB có xu hướng tăng so với hồi đầu năm

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý 1/2023 doanh thu hoạt động của TVB đạt 20,8 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tự doanh (lãi từ FVTPL) đạt 3,2 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ; doanh thu môi giới đạt 3,5 tỷ đồng, giảm 84% và doanh thu cho vay margin đạt 12,9 tỷ đồng, giảm 62%.

Chi phí hoạt động quý 1 giảm 29% xuống còn 9,2 tỷ đồng. Các chi phí khác như chi phí tài chính và chi phí quản lý cũng giảm lần lượt 55% và 30%, xuống còn 2,4 tỷ đồng và 7,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức giảm doanh thu lớn hơn mức giảm chi phí nên lãi sau thuế giảm 97% so với cùng kỳ, xuống còn 1 tỷ đồng.

Năm 2023, TVB đặt kế hoạch doanh thu 62 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng (năm ngoái lỗ 318 tỷ đồng). Đồng thời, TVB dự kiến chia cổ tức không quá 10% vốn điều lệ. Trong năm nay, công ty cũng dự kiến mua lại 5 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ.

Có thể bạn quan tâm