Theo Bộ Tài chính, quan điểm điều hành thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay là phải đảm bảo thị trường hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, minh bạch trên cơ sở tôn trọng quan hệ cung - cầu, hạn chế tối đa can thiệp hành chính và kỹ thuật vào thị trường.
Do đó, trong trường hợp cần thiết Bộ Tài chính có thể xem xét áp dụng các giải pháp kỹ thuật; trong đó có một số giải pháp như điều chỉnh biên độ dao động giá.
Cơ chế này hiện nay ít phổ biến trên thế giới do phần lớn các nước áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động. Ở Việt Nam, cơ chế này đang được áp dụng tại thông tư 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán và đã từng được áp dụng một số lần trong các giai đoạn biến động của thị trường, gần đây nhất là vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Bộ Tài chính nêu rõ, biện pháp siết biên độ có tác dụng như một giải pháp cấp cứu cho thị trường, mang tính tình thế để chặn ngay lập tức đà giảm giá nhưng chỉ là giải pháp ngắn hạn, hầu như không có tác dụng chặn xu thế giảm của thị trường.
Từ tháng 1 đến đầu tháng 4/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh cùng với thị trường thế giới. Song khác với năm 2008, ngay cả những phiên giảm điểm mạnh nhất, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức tích cực (6.000 tỷ đồng/phiên).
Theo Bộ Tài chính, điều này có nghĩa là thị trường vẫn còn lực cầu mạnh, sẵn sàng giải ngân, bắt đáy khi có cơ hội. Vì vậy, chưa cần thiết phải điều chỉnh biên độ giá. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để áp dụng khi thực sự cần thiết.
Đối với giải pháp tạm ngừng giao dịch, theo Bộ Tài chính, đó là giải pháp mang tính cực đoan, chỉ áp dụng trong trường hợp rất đặc biệt. Đơn cử như Bộ Tài chính đã cho phép ngừng giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) trong ngày 23 đến 24/1/2018 do sự cố về hệ thống giao dịch.