Theo đó tính đến ngày 11/08 đã có 700/758 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn HoSE và HNX đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 trong đó gần như toàn bộ các doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên cả hai sàn đều đã công bố.
Triển vọng tích cực nhất trong quý II thuộc về nhóm ngành tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và dịch vụ tài chính, trong đó nhóm ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận mạnh 24% lên mức 22.997 tỷ đồng, nhóm bảo hiểm tăng 86% và dịch vụ tài chính tăng 168%.
Tổng hợp các BCTC quý II của các ngân hàng đã công bố thì một số ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý II trên 20% như VIB (41%), HDBank (39,7%), VietinBank (38,9%), TPBank (30,4%) và VPBank (20,6%).
Thị trường cũng chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng đến từ các nhóm ngành như tài nguyên cơ bản (tăng 28%) mà chủ yếu là từ tăng trưởng của ông lớn Hòa Phát (HPG), theo đó HPG công bố quý II lợi nhuận sau thuế đạt 2.756 tỷ đồng, cao hơn 34% cùng kỳ năm ngoái và là quý có lợi nhuận cao nhất lịch sử của tập đoàn. Lĩnh vực thép tiếp tục đóng vai trò lớn nhất trong thúc đẩy tăng trưởng cho Tập đoàn Hòa Phát trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp.
Lĩnh vực thực phẩm và đồ uống có mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý II đạt 11% nhờ những cái tên tiêu biểu như Vinamilk (VNM) và Dabaco (DBC).
Cụ thể, trong kỳ kinh doanh vừa qua, Vinamilk có lợi nhuận sau thuế đạt 3.085 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, trong kỳ hoạt động kinh doanh nội địa chiếm tỷ trọng 86% doanh thu, tăng gần 8% so với cùng kỳ 2019. Bên cạnh doanh thu từ công ty mẹ, mức tăng trưởng lợi nhuận của Vinamilk còn đến từ việc hợp nhất kết quả hoạt động kinh doanh của GTNFoods và Mộc Châu Milk từ quý I.
Đối với Dabaco ghi nhận quý kinh doanh tốt nhất lịch sử hoạt động với hơn 401 tỷ đồng lãi ròng, cao hơn cả quý I/2020 và gấp 53 lần quý II/2019. Trong quý II/2020, ngoài việc hưởng lợi từ sự hồi phục đáng kể của ngành chăn nuôi, Dabaco còn đưa vào hoạt động sản xuất một số dự án trong quý II như Nhà máy dầu thực vật Dabaco, nhà máy chế biến trứng ăn liền Devi, Khu chăn nuôi gà giống và Nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước… đã đóng góp đáng kể vào kết quả của công ty.
Ở chiều ngược lại, nhóm du lịch và giải trí có lợi nhuận giảm mạnh hơn từ (-461%) xuống mức gần (-2.917) tỷ đồng. Bức tranh u ám ngành du lịch được nhìn thấy một cách rõ nét thông qua các khoản lỗ lớn cả trăm tỷ của Sheraton Đà Nẵng, công viên Đầm Sen, Vietravel lỗ gấp 3 lần dự tính chỉ sau nửa năm. Tiếp đó là nhóm doanh nghiệp bất động sản giảm 32%, điện nước xăng dầu khí đốt giảm 35%, dầu khí giảm 32% và hàng cá nhân và gia dụng giảm 48%.
Như vậy nhờ lợi nhuận đến từ nhóm tài chính mà lợi nhuận tính chung của toàn thị trường trong quý II/2020 đang không bị suy giảm quá mạnh, hiện tại đang giảm 5% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại, lợi nhuận của các nhóm tài chính đang chiếm khoảng gần 47% tổng lợi nhuận toàn thị trường, trong đó, nhóm ngân hàng đang chiếm khoảng gần 41%.
Cũng theo báo cáo này, BSC cho rằng diễn biến thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng lẻ của các doanh nghiệp niêm yết. Dòng tiền sẽ có sự luân phiên dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận. Mặt khác, các thông tin về khả năng sản xuất thành công "vaccine" chống Covid-19 của các nước sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho thị trường.