Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức của doanh nhân, doanh nghiệp

Chương trình Bữa sáng Doanh nhân do VACOD-HBA tổ chức vẫn luôn là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp, doanh nhân gặp gỡ, kết nối, chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển. Tuy nhiên, chương trình “Bữa sáng doanh nhân” ngày 10/8 mới đây thực sự là một dịp đặc biệt với vị khách mời cũng rất đặc biệt…

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức của doanh nhân, doanh nghiệp
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức của doanh nhân, doanh nghiệp

TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA giới thiệu về vị khách đặc biệt - Đại tá Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Trưởng phòng bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - người cận vệ 27 năm trung thành của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chương trình có sự tham dự của PGS. TS Trương Ngọc Kiểm, Phó trưởng Ban Xúc tiến Đầu tư - ĐHQG Hà Nội; PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. Về phía lãnh đạo hai Hiệp hội có bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch thường trực VACOD; bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA cùng các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội – HBA.

Phát biểu tại chương trình “Bữa sáng doanh nhân” TS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định và nhấn mạnh công lao to lớn, sự quan tâm đặc biệt của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với chặng đường phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có nhiều quyết định quan trọng đối với quá trình xác lập vai trò và vị thế của giới doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian qua. Đồng thời, cố Tổng Bí thư cũng đặt nhiều dấu ấn trong việc tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG – NHÀ LÃNH ĐẠO LUÔN TÂM HUYẾT PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN

Nói về sự quan tâm đặc biệt của cố Tổng Bí thư đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn hồi tưởng lại: Một trong những dấu ấn quan trọng và được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam khắc ghi sâu đậm nhất trong 13 năm làm Tổng Bí thư, đó là việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành hai Nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đây đã trở thành “kim chỉ nam” cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Đó là, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết đã đề ra 7 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Sau khi Nghị quyết được ban hành, trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường trực và Ban Chấp hành của VCCI để trao đổi những quan điểm chỉ đạo về việc xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đồng chí Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân và xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại. Từ tháng 12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW, khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Theo đó “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước”. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội - HBA, Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD cùng VCCI, nhất là nhóm đại biểu Quốc hội là doanh nhân đã góp ý với Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (sửa đổi) về việc đưa vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân vào bản Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và đã được Tổng Bí thư rất ủng hộ.

Và với việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân đã được xác lập, vị thế, vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng được nâng cao.

Cụ thể, tại Điều 51 Khoản 3 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh…”. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước ta, các quy định về doanh nhân, về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp được hiến định.

Không chỉ vậy, Hiến pháp còn đưa ra các quy định rất rộng mở và thông thoáng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện các quyền kinh tế của mình.

Lần đầu tiên, cụm từ “doanh nhân” được đưa vào Hiến pháp, thành một khoản tại Điều 51 trong Hiến pháp hiện hành:“Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.

Bước qua thời kỳ của những năm Covid -19, tình hình phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng lớn sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị “đứt gãy”. Những quan điểm về kinh doanh, hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống đã có nhiều thay đổi, chuyển sang nhiều mô hình kinh doanh mới.

Chính vì thế, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành trong đó có VCCI tổng kết Nghị quyết 09 và xây dựng Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 09. Đó là Nghị quyết 41 được ký ban hành vào ngày 10/10/2023, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nói về những dấu ấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hà Nội – HBA, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại:

“Khi Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hà Nội mới thành lập chưa được một năm (30/8/2006) thì ngay đầu năm 2007, chúng tôi đã có sáng kiến tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Thủ đô các nước ASEAN (ACBF) từ ngày 14-16/10 năm 2007. Với sự tham dự của Thị trưởng thủ đô các nước trong khu vực và các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Đây là diễn đàn kinh tế khu vực lớn thứ hai được tổ chức tại Việt Nam sau Hội nghị APEC 2006. Diễn đàn đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập ASEAN, nên chúng tôi đã thống nhất với lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp, các Thị trưởng thủ đô các nước ASEAN, Đại sứ quán của ASEAN, sẽ lần đầu tiên trao 40 Cúp doanh nhân ASEAN cho các vị doanh nhân. Việc trao Cúp cho các doanh nhân hoạt động kinh doanh trong khối ASEAN chứ không hẳn là chỉ mang quốc tịch ASEAN.

Trong quá trình triển khai, tôi có trực tiếp xin ý kiến Bác Trọng mấy lần, đề nghị Bác khi ấy với tư cách Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị sẽ đến trao Cúp doanh nhân ASEAN tại Diễn đàn. Trong các lần gặp, Bác hỏi rất cụ thể và chi tiết về kế hoạch trao Cúp như thế nào? Sau khi nghe trình bày, Bác đồng tình với kế hoạch đó và nhận lời tham dự, “Đây là lợi ích ngoại giao của quốc gia và lợi ích ngoại giao của Hà Nội. Với một chương trình đặc biệt, lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ bố trí người tương xứng”. Cuối cùng, chúng ta đã tổ chức thành công tốt đẹp diễn đàn này và được các bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Và với việc tổ chức thành công sự kiện này, lần đầu tiên có một Hiệp hội doanh nghiệp, mới chỉ sau một năm thành lập đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 vào tháng 12/2007”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, ngoài những công lao to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đã được báo chí trong và ngoài nước thông tin, đồng chí Nguyễn Phú Trọng dù ở cương vị nào: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội hay Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam là người có đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Người luôn quan tâm đến đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như có những quyết sách cụ thể nhằm thiết lập hành lang pháp lý thông thoáng, nhằm liên tục cải thiện môi trường kinh doanh giúp cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển, lớn mạnh.

Cũng tại chương trình “Bữa sáng doanh nhân”, chia sẻ mất mát về sự ra đi đột ngột của TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn khẳng định: “Trong ba nhiệm kỳ đảm nhận vai trò Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS. Vũ Tiến Lộc đã có nhiều đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đội ngũ doanh nhân, dưới “ngọn cờ” do TS. Vũ Tiến Lộc khởi xướng đã góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Vũ Tiến Lộc cũng là người tiên phong trong việc kết nối các doanh nghiệp với chính phủ, giúp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp được lắng nghe và tạo ra những chính sách hỗ trợ hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo của ông, VCCI đã trở thành cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp và nhà nước, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước. Chính TS. Vũ Tiến Lộc là người sáng lập ra giải thưởng Cúp Thánh Gióng trao cho doanh nhân Việt Nam tiêu biểu hằng năm (bắt đầu từ năm 2006).

"Nhớ lại quá trình góp ý vào việc xây dựng Nghị Quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị và tham gia quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 2013. VCCI, và trực tiếp là anh Vũ Tiến Lộc với vai trò Chủ tịch đã tham mưu để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. TS. Vũ Tiến Lộc cũng được biết là người cùng các vị đại biểu Quốc hội là doanh nhân tham gia đóng góp ý kiến khi Quốc hội sửa đổi Hiến Pháp năm 2013. Và kết quả đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lần đầu tiên được hiến định trong Hiến pháp. Anh Vũ Tiến Lộc đã có rất nhiều đóng góp vì sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là một con người luôn luôn nghĩ và quan tâm đến đội ngũ doanh nhân. TS. Vũ Tiến Lộc chính là người luôn quan tâm đến việc xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam". Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

ĐỜI THƯỜNG BÌNH DỊ CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG QUA LỜI NGƯỜI CẬN VỆ GẮN BÓ SUỐT 27 NĂM

Trong không khí xúc động, các doanh nhân cùng nhau tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đáng kính của dân tộc Việt Nam và cùng lắng nghe những câu chuyện bình dị, mộc mạc, rất đời thường về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời kể của Đại tá Nguyễn Quốc Hoàn, người cận vệ suốt 27 năm bảo vệ cố Tổng Bí thư.

Thực hiện chế độ cảnh vệ đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, đầu năm 1998 đến nay, Đại tá Nguyễn Quốc Hoàn (Phó Trưởng Phòng bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), là một trong hai sĩ quan Cảnh vệ được giao nhiệm vụ bảo vệ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

2.jpg
Đại tá Nguyễn Quốc Hoàn (ngồi giữa), Phó Trưởng Phòng bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ chia sẻ tại chương trình.

Kể về Bác (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), Đại tá Nguyễn Quốc Hoàn cảm động cho biết: Trong suốt 27 năm, tôi vô cùng vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, yêu quý và lựa chọn làm sĩ quan bảo vệ tiếp cận. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Bác đó là một người có lối sống giản dị, cần kiệm, mộc mạc, chân thành, từ lời nói đến phong cách sinh hoạt, luôn quan tâm đến đời sống của những người làm công tác bảo vệ tiếp cận. Với ai Bác cũng rất nhẹ nhàng, nói đủ ý, đủ từ, dùng những câu tục ngữ ca dao từ xưa rất sâu sắc. Đặc biệt Bác không bao giờ cáu gắt hay to tiếng với ai. Tấm gương của Bác về sự nhã nhặn, tôn trọng người khác không chỉ là một phong cách lãnh đạo mà còn là một bài học quý giá về cách sống, cách ứng xử để những người làm công tác cảnh vệ như chúng tôi học tập.

Những ngày điều trị trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dù sức khỏe yếu dần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn duy trì lịch làm việc hàng ngày từ khoảng 9h-9h30. Tổng Bí thư nghe các trợ lý, thư ký báo cáo tình hình công việc. Sau 10h30 và buổi chiều, ông tiếp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngồi đọc và nghiên cứu tài liệu khi sức khỏe cho phép.

“Bản thân tôi rất khâm phục sức làm việc phi thường của Bác, một con người hết lòng vì nước vì dân. Bác không dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Khi tỉnh giấc, ngoài lúc uống trà buổi sáng, tập thể dục, Bác sẽ đọc báo, làm việc và tiếp khách. Chỉ đến khi có dấu hiệu mệt, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ đề nghị Bác nghỉ ngơi”, đại tá Hoàn kể.

Nhớ về kỷ niệm khó quên nhất với vị Tổng Bí thư đáng kính, Đại tá Hoàn bùi ngùi: “Gia đình tôi có 4 anh em trai, bố tôi mất vào năm 2006 đúng đợt Bác mới lên Chủ tịch Quốc hội. Bác đích thân về tận quê tôi thắp hương, sau đó Bác mới lên xe trở về Hà Nội. Trước khi đi, Bác chỉ dặn dò tôi một câu: “Bố các anh mất rồi, các anh cố gắng giữ lấy nếp nhà”. Câu nói đó khiến tôi nhớ mãi và luôn khắc cốt ghi tâm”.

Bác luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các giá trị đạo đức và truyền thống gia đình. Với Bác nếp nhà là nơi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách, nơi mà những giá trị như hiếu thảo, kính trọng, trung thực và cần cù được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Giữ nếp nhà là giữ cho gia đình một nền tảng đạo đức vững chắc, từ đó mỗi cá nhân có thể phát triển và đóng góp cho xã hội.

Đại tá Hoàn chia sẻ; Đối với những sỹ quan bảo vệ tiếp cận, được giao nhiệm vụ bảo vệ một nguyên thủ vừa là nhiệm vụ nặng nề nhưng đồng thời cũng là vinh dự lớn. Để đảm bảo sự an toàn cho nguyên thủ luôn có sự phối hợp của nhiều lực lượng khác nhau thuộc Bộ Công an. Trong đó những sỹ quan bảo vệ tiếp cận là người trực tiếp giữ vị trí gần nhất với chính khách.

Với Bác trong quá trình bảo vệ tiếp cận khi xuống các địa phương công tác hay tiếp xúc cử tri, bác luôn tinh tế dặn dò xe dẫn đoàn không được hú còi gây “náo động” làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân. Bác căn dặn: “Các chú phải bảo vệ mà như không bảo vệ” điều đó cho thấy Bác rất gần gũi với mọi người, người dân khi tiếp xúc với Bác cảm thấy rất thân thiện, gần gũi, cởi mở và vui vẻ.

“Khi đi công tác Bác tự sắp xếp quần áo, đồ dùng cá nhân. Tôi nhớ lúc Bác còn là Bí thư Thành uỷ Hà Nội từ những vật dụng nhỏ như kim chỉ, dây dù, con dao giữ từ thời bao cấp Bác mang theo bên mình. Có lần tôi hỏi, những thứ đó Bác mang theo làm gì? Bác trả lời hài hước: “Lỡ mắc màn nó ngắn dây thì chú làm như thế nào, mình mang theo dây còn nối thêm. Rồi cái cúc áo chẳng may bị đứt, mình lại phải đi mượn người ta à?...”. Bác Trọng của chúng ta gần gũi, giản dị và cẩn thận từ những việc nhỏ nhặt như vậy đó”, Đại tá Hoàn không giấu được xúc động khi hồi tưởng những ký ức về cố Tổng Bí thư.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn kể lại thời gian ông đang là đại biểu quốc hội khoá 12, cùng tổ đại biểu với Bác Trọng (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) khi đi tiếp xúc cử tri. Theo thông lệ thường tổ chức tiếp xúc cử tri tại hội trường của cấp xã hoặc cấp huyện. Trong hội trường sẽ có một sân khấu, đoàn chủ toạ gồm các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc sẽ ngồi ở bàn chủ toạ cùng với người chủ trì hội nghị ở trên sân khấu nhưng Bác Trọng không đồng ý. “Bác yêu cầu kê bàn xuống phía dưới ngồi cùng với các cử tri trên cùng một mặt phẳng, hoặc có thể ngồi thấp hơn cử tri để hòa đồng và dễ quan sát. Từ đó trở đi riêng tổ đại biểu của chúng tôi đoàn đại biểu luôn ngồi dưới cùng bàn với các cử tri. Điều đó cho thấy sự giản dị, gần gũi của Bác với nhân dân và cử tri”, Chủ tịch Sơn thuật lại.

Là người may mắn được tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hà Nội – Halovi bộc bạch: “Ấn tượng của tôi về Tổng Bí thư đó là một người rất liêm khiết, mẫu mực trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Bác luôn giữ vững nguyên tắc sống và làm việc với sự trung thực, công bằng và kiên định, đặc biệt trong việc xây dựng và bảo vệ các giá trị cốt lõi của Đảng và Nhà nước Việt Nam”.

Về phần mình, doanh nhân Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Viha Thống Nhất chia sẻ: “Ấn tượng của tôi về Tổng Bí thư là một người quyết liệt và không khoan nhượng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng”.

Ông Ngô Văn Chăm, nguyên Phó TGĐ Tổng công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng đô thị (UDIC), người cũng nhiều lần gặp Bác Trọng cũng chia sẻ kỷ niệm và sự ngưỡng mộ về sự thanh bạch, ân cần và hết lòng với nước với dân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Dường như những câu chuyện về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã in sâu và lắng đọng thành những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm tưởng của mọi người. Ai cũng cảm động với những câu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng ý nghĩa lớn lao. Các doanh nhân tham gia chương trình qua đó cũng hiểu thêm về Bác, một nhà lãnh đạo đáng kính. Từ những câu chuyện trên, các doanh nhân không chỉ tưởng nhớ một vị lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, một con người vĩ đại đã hoà vào hồn sông núi, mà còn thấy được một tấm gương ngời sáng về đạo đức và nhân cách, học được bài học về sự tận hiến, tinh thần trách nhiệm, đức hy sinh và lòng yêu nước…

Một số hình ảnh ghi nhận tại chương trình:

0.jpg
4.jpg
5.jpg
6.jpg

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VACOD-HBA khởi động chuỗi sự kiện lớn tháng 10

VACOD-HBA khởi động chuỗi sự kiện lớn tháng 10

Hòa chung không khí tưng bừng cả nước chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, chủ trì chương trình “Bữa sáng doanh nhân” ngày 31/8, Chủ tịch VACOD–HBA Nguyễn Hồng Sơn công bố những thông tin quan trọng liên quan chuỗi sự kiện lớn tổ chức tại Hà Nội và vùng đất lịch sử Điện Biên thời gian sắp tới…