Trước đó, Giám đốc truyền thông taxi G7 Phan Trọng Tuệ từng cho biết, tham gia vào Liên minh tax truyền thống G7, các hãng đều là cổ đông, tham gia vào hội đồng quản trị và được quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. "Đây là cam kết rõ ràng nhất của G7 taxi với các hãng sáp nhập để đồng hành, bảo vệ lợi ích, hợp tác ổn định lâu dài cùng nhau", ông Tuệ khẳng định.
Ở thời điểm hiện tại, "liên minh" G7 đã có sự tham gia của 3 hãng taxi truyền thống gồm: Thành Công, Sao Hà Nội và Ba Sao. Nhờ vậy, G7 đang có trong tay gần 3.000 xe, số lượng gấp đôi đơn vị đứng thứ 2 tại thị trường Hà Nội.
Trong tương lai, số lượng này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng vì G7 vẫn đang tích cực đàm phán, chiêu mộ thêm các hãng taxi khác.
G7 đang nỗ lực gia tăng "khối liên minh" giữa các hãng taxi truyền thống đồng thời gia tăng tối đa lượng xe để đạt mục đích: gia tăng năng lực cạnh tranh với Grab và các ứng dụng gọi xe khác (đang từng bước tiến quân vào Việt Nam).
Được biết, G7 cũng đã đưa ra chính sách cạnh tranh về giá. G7 sẽ triển khai 3 dịch vụ là taxi 4 chỗ, taxi 7 chỗ và taxi sân bay với giá cước thấp nhất là 9,900 đồng/km, không chênh lệch quá nhiều so với mức giá 8.500 đồng/km cho dịch vụ Grabcar tại Hà Nội.
Về chính sách chiết khấu cho tài xế, G7 chỉ thu mức chiết khấu là 20%, thấp hơn mức chiết khấu Grab đang thu là 28.6%.
Liên minh G7 cũng đang tập trung phát triển ứng dụng gọi xe riêng.
“Lãnh đạo hãng tiết lộ sẽ chi khoảng 1 triệu USD để quảng bá thương hiệu bởi phần đông khách hàng hiện nay đã quá quen thuộc với ứng dụng gọi xe của Grab.
Taxi truyền thống đang có những hành động giành lại thị phần rất mạnh mẽ. Với việc tập trung vào cả 3 phương diện: số lượng, giá cả, ưu đãi với tài xế, điều G7 cần để thành công trong thời buổi công nghệ số có lẽ là hướng đến tăng trải nghiệm cho khách hàng và những chiến lược truyền thông - marketing hiệu quả hơn với người dùng.
Hãy nhớ lại việc Grab đã "đuổi" Uber khỏi Việt Nam và các nước khác như thế nào. Giống như Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng từng nhận định: “Việc Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber là ví dụ rất sinh động của các DN ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình. Điều này tạo cảm hứng, và niềm tin tốt đẹp cho DN. Câu chuyện của Grab, thực sự cổ vũ cho sự sáng tạo của DN Việt Nam trong việc chinh phục thị trường Việt, thậm chí có thể vươn ra các quốc gia khác”.
>> Lỗ nghìn tỷ và chiến dịch “giết” taxi truyền thống của Uber, Grab?