Còn 18 địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2024

Sự thiếu hụt các quy định cụ thể, chi tiết khiến cho việc áp dụng Luật Đất đai 2024 gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp ở địa phương…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đỗ Đức Duy tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đỗ Đức Duy tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát kiểm tra và lập danh sách báo cáo Chính phủ những địa phương đã ban hành đầy đủ văn bản, những địa phương đã làm được một phần và những địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Đất đai 2024.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Không có lý do gì mà 45 địa phương đã ban hành đầy đủ văn bản mà 18 địa phương chưa ban hành được. Trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong các văn bản, những địa phương nào gặp khó khăn thì phải phối hợp với các bộ, ngành để được hướng dẫn và triển khai hiệu quả".

Trước đó, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy báo cáo, đến thời điểm hiện nay, đã quá thời gian theo yêu cầu của Chính phủ, vẫn còn 18/63 địa phương chưa ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 để thống nhất việc triển khai các quy định của Luật.

Trong khi đó, theo thẩm quyền, Chính phủ đã ban hành đủ 10/10 nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính cũng đã ban hành đủ 6 thông tư theo quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024.

"Nếu địa phương không ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết Luật theo thẩm quyền thì sẽ có rất nhiều vướng mắc mà những vướng mắc này gây khó khăn cho chính địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện, Bộ cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị các địa phương, nhất là 18 địa phương chưa ban hành văn bản nào thì khẩn trương ban hành, để đảm bảo đồng bộ văn bản quy phạm pháp luật khi thực hiện", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và bắt đầu kiểm tra tại các địa phương từ hôm nay (7/10), nhất là các địa phương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề cập đến hoạt động điều chỉnh bảng giá đất hiện hành tại các địa phương. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ, bên cạnh những địa phương điều chỉnh bảng giá đất từ năm 2013 đến nay thì vẫn còn một số địa phương gặp vướng mắc khi không thực hiện hoạt động này một cách thường xuyên. Đặc biệt là khoảng cách giữa bảng giá đất và mặt bằng giá thực tế có sự khác biệt đáng kể

"Vì vậy, việc thực hiện điều chỉnh giá đất lần này nếu không theo lộ trình mà cập nhật ngay giá mặt bằng đất thực tế thì có một số vị trí, một số loại đất có điều chỉnh tăng ở mức cao và sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhận định.

Định hướng các địa phương không thường xuyên điều chỉnh giá đất, Bộ trưởng Duy đề xuất, khi điều chỉnh giá phải có lộ trình phù hợp và có đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc điều chỉnh giá đất, đồng thời có tham vấn ý kiến của các đối tượng có tác động để có lộ trình điều chỉnh phù hợp. Từ nay đến giữa năm 2025, các địa phương cần tiếp tục thực hiện theo hướng này để tiến tới từ 1/1/2026 sẽ thực hiện theo bảng giá đất mới.

Với chỉ tiêu sử dụng đất đối với một số loại đất tại các địa phương, Bộ trưởng cho biết, từ 1/8 năm nay, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh và kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đến 2030.

Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia vào năm 2025 để tháo gỡ các vướng mắc về chỉ tiêu sử dụng đất…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…