Sản xuất công nghiệp bùng nổ, chỉ số IPP 9 tháng tăng mạnh ở 60 địa phương

Những chỉ số thể hiện mức tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp tại các địa phương là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế cả nước trong 9 tháng năm 2024…

Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của các địa phương, đóng góp chung và tăng trưởng của cả nước
Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của các địa phương, đóng góp chung và tăng trưởng của cả nước

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo về Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tại các địa phương trong 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả cho thấy, 60/63 địa phương đều đạt mức tăng trưởng, trong đó có một số địa phương tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Lai Châu tăng 47%; Phú Thọ tăng trên 40%; Bắc Giang tăng 28%; Thanh Hóa tăng 20%; Bình Phước tăng 17,5%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Khánh Hòa tăng 196%; Trà Vinh tăng 54%; Điện Biên tăng gần 47%; Cao Bằng tăng trên 46%.

Trong 9 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,5 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 3,5 lần cùng kỳ. Tiếp theo là TP.HCM với hơn 1,9 tỷ USD, chiếm 7,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 15,1% so với cùng kỳ. Quảng Ninh đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,8 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội...

Ngay trong phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là Hà Nội, TP.HCM khi đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó Hà Nội đóng góp 25,93%, TPHCM là 25,45%.

Ngoài ra, báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, trong 9 tháng năm 2024, nước ta đã đạt 13 kết quả nổi bật về tình hình kinh tế-xã hội.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương kết quả các địa phương đạt được trong 9 tháng năm 2024 đặc biệt là giữa bối cảnh thiệt hại nặng nề do thiên tai. Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ các báo cáo và các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các đại biểu… Về kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo chủ động tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về những vấn đề vượt thẩm quyền; tinh thần là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.

Thủ tướng đánh giá khái quát, tình hình kinh tế- xã hội tháng 9, quý 3 và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tính chung 9 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, với các kết quả cụ thể mà các báo cáo, ý kiến đã chỉ ra. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nguyên nhân chính của những kết quả đạt được: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chấp hành nghiêm các nghị quyết, kết luận Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, các chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đây và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hiện nay;

Bên cạnh đó là sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là có sự lãnh đạo của cấp ủy, sự vào cuộc của chính quyền, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế; sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Trung ương, địa phương với các quy trình được cải thiện tốt hơn, các thủ tục hành chính được cắt giảm, tích cực xóa bỏ cơ chế xin cho, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp thiết thời gian tới, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 2024 khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV từ 7,5-8%. Trong đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu tập trung phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh; triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…