Con đường nâng cao năng suất - Vẫn rất gập ghềnh!

Nếu không giải được bài toán năng suất, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore.

Năm 2017 khép lại ghi nhận một năm Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định về kinh tế vĩ mô, lạm phát được duy trì ở mức tương đối thấp một con số, tỉ giá được giữ tương đối ổn định, đồng thời vị thế quốc tế được nâng cao. Một số lĩnh vực cải cách chiến lược, như môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, lĩnh vực ngân hàng, đầu tư công, cũng như tài chính và quản lý nợ đã đạt được những thành quả được quốc tế ghi nhận. Nhờ những nỗ lực đó, chính phủ đã đưa Việt Nam nâng được 14 bậc trong thứ hạng Môi trường kinh doanh 2018 của WBG. Tuy nhiên, quá trình cải cách phải duy trì được đà tăng tích cực này vì Việt Nam rất cần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất.

Mấu chốt vẫn là câu hỏi về HIỆU QUẢ

Trong 5 năm qua, đặc biệt là sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, Việt Nam đã có sự hồi phục đáng khích lệ về tăng trưởng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, tăng trưởng hiện nay ở Việt Nam vẫn chủ yếu theo chiều rộng, gia tăng yếu tố đầu vào, tăng cường bổ sung vốn và sử dụng nhiều lao động giản đơn, trong khi việc đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ công nhân, gọi chung là năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) còn rất hạn chế. Thủ tướng đánh giá đây chính là điểm nghẽn của sự phát triển bền vững của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Quả vậy, con số được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cũng đã minh chứng cho sự tự đánh giá thẳng thắn trên. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam chỉ vào khoảng 4%, so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc ở vào thời điểm những nước này có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. Rõ ràng, năng suất có vai trò ngày càng quyết định đối với tăng GDP và nâng cao năng suất đang là thách thức lớn với Việt Nam trong khi Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất.

Bình luận về thách thức nâng cao năng suất, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, dù tính toán năng suất theo cách nào thì câu hỏi cần đặt ra vẫn là hiệu quả. Làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam tăng được năng lực sản xuất với cùng một mức đầu vào? Việc cải thiện hiệu quả phải được thực hiện trong từng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực, và muốn vậy cần phải có thể chế thị trường hiệu quả và sự hỗ trợ của nhà nước.

Tạo khuôn khổ thể chế, chính sách ưu đãi hiệu quả để thúc đẩy đổi mới là một yêu cầu quan trọng để duy trì tăng năng suất lao động bền vững.

Có một thực tế là, trong từng lĩnh vực của nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả, như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp, tăng cường chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực giao thông, vận tải, kho vận hậu cần, khả năng kết nối. Nhưng ngoài việc nâng cao hiệu quả, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị cũng là một yếu tố tối quan trọng để cải thiện năng suất.

Một lần nữa, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ rõ ràng - chuyển đổi từ mô hình truyền thống là "lúa gạo - trồng cây ăn trái - nuôi tôm" sang một cơ cấu sản xuất có giá trị cao hơn là "nuôi tôm - trồng cây ăn trái - lúa gạo". Liên kết hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng là một yếu tố quan trọng để Việt Nam dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để từ đó nâng cao năng suất.

Điều được các các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung khuyến nghị, chính là đẩy mạnh đáng kể cải cách để xây dựng, củng cố thể chế thị trường hiệu quả nhằm nâng cao tốc độ tăng năng suất.Trong quá trình này cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực, trong đó cần có sự định hướng thị trường nhiều hơn nữa để phân bổ nguồn lực sản xuất trên cả thị trường vốn và thị trường đất đai. Có như vậy mới bảo đảm để nguồn lực được luân chuyển thông suốt, sử dụng hiệu quả, có ích hơn. Và không thể thiếu được việc tăng cường chính sách về cạnh tranh để bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.

Bài toán năng suất lao động - lương tối thiểu

Ở Việt Nam tồn tại vấn đề tranh luận bấy lâu xung quanh chính sách tăng lương tối thiểu (LTT), bởi khi năng suất lao động còn thấp so với các nước láng giềng thì việc tăng này làm gia tăng mối lo ngại về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Các nghiên cứu cho thấy, việc tăng LTT có tác động ít hơn trong khu vực tư nhân so với khu vực nhà nước và FDI. Về việc làm, tác động của tăng LTT sẽ làm giảm việc làm nhiều hơn trong khu vực nhà nước. Lý do bởi khu vực tư nhân có mức tuân thủ chế độ lao động cao hơn (thể hiện qua việc đóng bảo hiểm xã hội) nên họ sẽ cắt giảm việc làm nhiều hơn. Điều này cho thấy, các DN chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tiền lương và phúc lợi lao động sẽ cảm thấy khó khăn hơn vì chính sách LTT.

Dù thế, theo nhiều chuyên gia, cần phải làm rõ thêm về vấn đề năng suất lao động và vai trò thực tế của LTT để tránh đưa ra những nhận định sai lầm. Một ý kiến có thể gây sốc về chính sách LTT của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển: "Chúng ta nên nghiên cứu bỏ LTT, đồng thời với tăng chính sách bảo trợ xã hội".

Ông lập luận rằng, thực tế, nếu tăng thêm 50%, người lao động vẫn không đủ sống, do vậy nên nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương. Đây cũng là lý do để doanh nghiệp thấy sự cạnh tranh khi sử dụng nguồn lực lao động, lúc đó họ sẽ tự nguyện tăng. Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu lên mối liên quan giữa năng suất lao động và tăng LTT. Liệu tiền lương tăng có làm tăng năng suất lao động được hay không?

Theo cách nhìn của người làm chính sách, bà Tống Thị Minh, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ,TB và XH) cho rằng, cần phải xem xét lại thật kỹ mối tương quan giữa NSLĐ và tiền LTT. Khoảng chênh lệch giữa tăng năng suất và tăng lạm phát chính là dư địa để tăng tiền lương. Thậm chí, đối với mỗi ngành nghề khác nhau, có thể đưa thêm những tiêu chí để xác định tốc độ tăng tiền lương.

Năng suất lao động thấp đang là mối nguy hại hàng đầu đối với nền kinh tế xét về dài hạn, do đó, những khuyến nghị được nêu ra tại VDF 2017, hay tại những cuộc họp chuyên sâu về lao động, tiền lương sẽ cần được xem xét nghiêm túc. Hãy bắt đầu từ những yếu tố có tính chất căn cốt như xây dựng thể chế, để thực sự tạo được sự bứt phát về năng suất lao động, nhất là khi cả thế giới đã chuyển động không ngừng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


 "Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam. Tăng năng suất chính là chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi đối với kinh tế Việt Nam hiện nay." 

 "Tôi nghĩ điều cần thiết là Việt Nam cần có những thay đổi chính sách cũng như điều chỉnh vấn đề năng suất lao động. Đây là một vấn đề hơi khó giải quyết và thỏa thuận ở cấp độ cao. Năng suất lao động tại Việt Nam hiện tăng từ 4% đến 5% mỗi năm nhưng như vậy là chưa đủ để Việt Nam có thể với tới cấp độ cao. Hiện các quốc gia Đông Nam Á cũng tăng, Trung Quốc cũng tăng và ngay cả Nhật Bản cũng tăng. Vì vậy tôi nghĩ Việt Nam cần phải đặt ra một mục tiêu cao đối với việc tăng trưởng năng suất lao động, từ đó vạch ra kế hoạch, những điều cần phải làm để đạt được mục tiêu đó

Có thể bạn quan tâm