Bộ Tài chính cho biết, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, danh mục doanh nghiệp thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC giai đoạn 2017 - 2020 là 62 doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 11.000 tỷ đồng về SCIC để thực hiện thoái vốn.
Trong đó bao gồm 1 Tập đoàn kinh tế là Tập đoàn Dệt May Việt Nam với giá trị khoảng 2.600 tỷ đồng; 6 Tổng công ty là: Tổng công ty Thép Việt Nam với giá trị khoảng 6.300 tỷ đồng (Bộ Công Thương); Tổng công ty Xây dựng đường thủy - Công ty cổ phần, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - Công ty cổ phần và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - Công ty cổ phần (Bộ Giao thông vận tải); Tổng công ty LICOGI - Công ty cổ phần (Bộ Xây dựng); Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam - Công ty cổ phần (Bộ Y tế).
Thực hiện quyết định của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã thành lập Đoàn công tác liên ngành (Bộ Tài chính - chủ trì, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, SCIC) làm việc với 6 Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, gồm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hải Phòng.
Theo đó, Đoàn công tác đã thống nhất với các Bộ, ngành, UBND tỉnh về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước 34 doanh nghiệp về SCIC, gồm 24 doanh nghiệp chuyển giao theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg và 10 doanh nghiệp chuyển giao theo Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ.
Theo báo cáo của SCIC, tính đến hết tháng 11/2018, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh đã hoàn thành chuyển giao về SCIC 27/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 960 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.381 tỷ đồng; trong đó, năm 2017 đã chuyển giao được 21 doanh nghiệp với số vốn nhà nước là 822 tỷ đồng; 11 tháng đầu năm 2018 chuyển giao được 6 doanh nghiệp về SCIC với số vốn nhà nước là 138 tỷ đồng.