Sáng 19/7, tại căn biệt thự màu trắng của gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM xuất hiện nhiều xe công vụ của Bộ Công an. Cảnh sát đã tiến vào làm việc, đồng thời có lực lượng án ngữ ở các khu vực xung quanh căn biệt thự.
Đại diện các cơ quan cảnh sát cơ động, điều tra viên, kiểm sát viên đã nhanh chóng có mặt và tiến hành công tác. Sau đó, lực lượng chức năng đã đưa một lượng lớn thùng bìa carton vào trong biệt thự để chứa đựng và lưu trữ tài liệu.
Hiện cơ quan công an vẫn chưa công bố nội dung làm việc tại nhà của người đứng đầu Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn thông tin, đây là động thái của cơ quan công an trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM.
Liên quan đến vụ án, loạt cán bộ ngành cao su đã bị khởi tố. Cụ thể, ngày 15/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét đối với 4 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan gồm:
- Trần Ngọc Thuận, nguyên Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam về tội “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự;
- Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự;
- Võ Sỹ Lực, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam
- Trần Thoại, Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Theo kết luận thanh tra 757 năm 2021, dự án này là đất có nguồn gốc là đất thuộc sở hữu Nhà nước, được quản lý bởi 2 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã từng tham gia vào thương vụ giao dịch liên quan đến dự án này.
Phía Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, bà Như Loan khẳng định mọi thông tin về cuộc giao dịch là đúng, nữ doanh nhân cũng trần tình Quốc Cường Gia Lai là bên mua ngay tình, nhận 100% vốn từ 2 công ty tư nhân sở hữu (đại diện là ông Dừa và bà Linh), là 2 công ty tư nhân có đăng ký giấy phép kinh doanh tại Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, có đầy đủ thủ tục mua bán theo luật doanh nghiệp, đúng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 30/6, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, tuy nhiên bà Như Loan vắng mặt vì lý do sức khỏe và con gái là bà Nguyễn Ngọc Huyền My vắng mặt vì lý do cá nhân. Bởi đây là 2 cổ đông lớn, sở hữu tổng 51,3% vốn điều lệ của doanh nghiệp nên theo quy định cuộc họp đã không thể diễn ra.
Sau khi đại hội cổ đông bất thành, giá cổ phiếu QCG giảm liên tiếp trong hầu hết các phiên giao dịch gần đây. Tính từ ngày 30/6, chốt phiên giao dịch ngày 18/7, mã cổ phiếu này đã giảm gần 19%. Hiện mức giá chỉ giao động quanh 9.000 đồng/cp. So với đỉnh 2 năm đạt được hồi giữa tháng 4 năm nay, QCG đã "bốc hơi" 38% thị giá. Vốn hóa thị trường còn khoảng 3.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp phố núi này còn “dính” đến vụ đại án Vạn Thịnh Phát. Trong giai đoạn 1 vụ án, tòa án sơ thẩm tuyên án buộc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là 2.882,8 tỷ đồng, để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã có kháng cáo. Trong đơn kháng cáo, Quốc Cường Gia Lai cũng đề nghị tòa tuyên buộc bà Trương Mỹ Lan trả lại cho công ty 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà này đang mượn, vì tài sản này không thể chấp cũng như không có nguồn gốc từ tiền của SCB.