Ứng dụng công nghệ thông minh 5.0 vào sự phát triển nông nghiệp Việt Nam, từng bước tạo đà phát triển vượt bậc từ đó tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệp có sự kết nối bền vững giữa sản xuất và khoa học hiện đại.
NÔNG NGHIỆP - TRỤ ĐỠ NỀN KINH TẾ
Chiều 23/7, "Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0" đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia cùng nhiều đại diện đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
“Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
Phó Chủ tịch VCCI nhận định nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp. Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa rộng rãi với sự nỗ lực của nhiều quốc gia trong chuyển đổi số dẫn tới sự phát triển nhanh chóng, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Đặc biệt, với ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp.
Đại diện VCCI nhận định, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.
Hướng phát triển bền vững kể trên cũng chính là cơ hội được tạo ra trên nền tảng công nghệ 5.0. Trong khi Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối mạng nhanh và dữ liệu lớn trong một môi trường sản xuất, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng của các nhà máy công xưởng phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ thì Cách mạng công nghiệp 5.0 lại tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.
PHÁ VỠ ĐIỂM NGHẼN, THU HÚT ĐẦU TƯ
Đưa ý kiến thảo luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp) cho biết, từ sau thời kỳ đổi mới, Việt Nam vẫn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 3 - 4%, nhất là từ giai đoạn năm 2021 đến nay, với nhiều nỗ lực trong nước và xu hướng tăng giá chung của nhiều mặt hàng nông sản, tăng trưởng nông nghiệp đã đạt mức 3,4 - 3,8%.
Giá trị xuất khẩu nông sản đạt 53 tỷ USD năm 2023. Hiện nay, Việt Nam đứng top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, chè, sắn và sản phẩm gỗ. Yêu cầu đặt ra là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước trong khi nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức.
Nguồn lực tự nhiên của nước ta đang dần cạn kiệt, những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường, tiêu biểu nhất quy định mới về chống phá rừng ở châu Âu... Tất cả đang trở thành thách thức lớn đối với sự phát triển của đất nước nông nghiệp như Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đã chỉ ra 3 vấn đề lớn của ngành nông nghiệp với 3 chữ "biến" là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, phương châm chính và cách tiếp cận của ngành nông nghiệp đưa ra là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn và tạo ra giá trị cao hơn.
“Làm được điều đó, chỉ có chúng ta cách tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế có giá trị cao hơn, xanh hơn, sạch hơn” - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề cập đến vấn đề chính sách áp dụng với ngành nông nghiệp nói chung và các doanh nghiệp đầu tư nói riêng. Trong các chính sách ưu đãi, theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh được ưu tiên nhất với các chính sách hỗ trợ đầu tư từ đất đai, tín dụng, thuế, hạ tầng, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
Trước thực trạng còn nhiều khó khăn, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan có liên quan sẽ tham mưu đổi mới chính sách có tính tới sự phối hợp bộ ngành về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng tạo sức bật trong tập trung ruộng đất, quỹ đất vừa đủ cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành phụ trợ…; chính sách tín dụng; chính sách thuế minh bạch rõ ràng; chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực…
Để hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng cách mạng công nghiệp 5.0 phù hợp nhất với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam cần sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và chính các nhà quản lý, các bộ, ngành liên quan. Trong khuôn khổ Diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân và đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đã thảo luận đồng thời thời kiến nghị các giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0.