Việt Nam đang dần khẳng định là quốc gia tiềm năng và đáng tín cậy trong lĩnh vực xuất khẩu cá ngừ ra thị trường nước ngoài. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 5 trên thế giới xét về kim ngạch, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ TIẾP ĐÀ TĂNG TRƯỞNG
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu cá ngừ của nước ta tăng so với cùng kỳ với kim ngạch đạt 472 triệu USD, tăng 23%. Cá ngừ xếp thứ 3 trong danh mục các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sau tôm và cá tra.
Trong tháng 6, các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh đạt mức cao nhất từ đầu năm, với hơn 44 triệu USD tăng 29% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp lại giảm, giá trị xuất khẩu chỉ đạt hơn 17 triệu USD, giảm 11%.
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tập trung khai thác tiềm lực từ các thị trường chính như Mỹ, EU hay Israel. Trong tháng 6, sản lượng xuất khẩu cá ngừ sang các nước EU tăng 56%, Israel tăng 50%.
Đáng chú ý, tại khối thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ sang Italy và Hà Lan đang tăng “phi mã” ở mức 3 con số. Theo báo cáo của Hải quan Việt Nam, nếu như năm ngoái cá ngừ tươi, đông lạnh và khô của Việt Nam (trừ thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS03034) không xuất khẩu được sang thị trường Italy, năm nay giá trị xuất khẩu mặt hàng này chiếm tới 64% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là cá ngừ đóng hộp. Xuất khẩu cả hai nhóm sản phẩm này đều tăng so với cùng kỳ.
Theo bà Nguyễn Hà (chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP), với các doanh nghiệp những lợi thế về ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đang tạo ra sức hút cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại thị trường Italy.
Cùng với đó, sản lượng cá ngừ xuất sang Nga cũng đang tăng phi mã ở mức 3 con số trong tháng 6. Với sự tăng trưởng cao liên tục từ đầu năm, Nga đang trở thành 1 trong 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.
Trái với xu hướng xuất khẩu sang 3 thị trường kể trên, xuất khẩu sang khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm trong tháng 6. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này trong tháng 6 chỉ đạt gần 9 triệu USD, giảm 12%.
Theo nhận định từ VASEP, trong 6 tháng cuối năm, sản lượng xuất khẩu mặt hàng này sẽ còn khởi sắc do nhu cầu của các thị trường đang ngày càng tăng để chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm, đây là cơ hội cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
QUY ĐỊNH CHỈ CÓ TẠI VIỆT NAM
Những con số thống kê về kim ngạch xuất khẩu cá ngừ là tín hiệu đáng mừng với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đứng trước những bất lợi về mặt nguồn cung, các doanh nghiệp thủy sản như “ngồi trên đống lửa” khi đối diện nguy cơ không đáp ứng được các đơn hàng, ảnh hưởng đến sự phát triển mở rộng thị trường.
Theo một số doanh nghiệp thủy sản chia sẻ, vướng mắc bắt nguồn từ thời điểm Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản có hiệu lực từ ngày 19/5.
Cụ thể, quy định đang gây quan ngại là kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn là 500mm (tương đương 50cm, trọng lượng từ 5kg đến 7kg).
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác Thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, thực tế sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp. Khi Nghị định 37 có hiệu lực, tất cả các cảng cá không dám cấp xác nhận nguyên liệu đối với cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ khai thác này.
Điều này sẽ khiến cho nguồn cung cá ngừ vằn trong nước giảm. Đồng nghĩa với đó, doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu có xuất xứ thuần túy để sản xuất.
Thông tin từ VASEP, quy định về bảo tồn của Liên minh châu Âu (EU) không đề cập kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn mà chỉ áp dụng với một số loài nhạy cảm; kích thước tối thiểu cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó. EU bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng biện pháp quy định hạn ngạch, thời gian cấm biển… chứ không chỉ quy định bằng kích thước tối thiểu được khai thác. Các tàu cá của nước ngoài vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5 kg và vẫn được cấp chứng nhận thủy sản khai thác.
Hiện nay, sản lượng xuất khẩu cá ngừ vẫn tăng là do lượng cá ngừ vằn nguyên liệu dự trữ tại các doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận vẫn còn, tuy nhiên lượng nguyên liệu dự trữ này cũng đang cạn dần. Để đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ phải gia tăng nhập khẩu nguồn nguyên liệu.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp thời điểm cấp bách, có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển lâu dài trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ. Nếu “nút thắt” về nguồn nguyên liệu được tháo gỡ sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.