Theo đó, VCR đã chuyển đổi 3 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu sang 30 triệu cổ phiếu, ngày chuyển đổi là 5/8/2021.
Như vậy, sau chuyển đổi vốn điều lệ tăng từ 1.800 tỷ đồng lên 2.100 tỷ đồng.
Được biết, 3 triệu trái phiếu được phát hành ngày 5/8/2019 với kỳ hạn 24 tháng. Trong đó, trái chủ là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG).
Cuối năm ngoái, VCR đã chào bán riêng lẻ 144 triệu cổ phiếu VCR với giá 10.000 đồng/cp để bổ sung vốn cho dự án khu đô thị Cái Giá - Cát Bà. Sau phát hành, vốn điều lệ tăng từ 360 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng.
Do không mua trong đợt tăng vốn này, tỷ lệ sở hữu của Vinaconex đã giảm từ 54% về còn 10,7% và không còn là công ty mẹ của VCR.
Vốn điều lệ của Vinaconex-ICT tăng từ 1.800 tỷ đồng lên 2.100 tỷ đồng sau khi chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, tổng số cổ phiếu biểu quyết đang lưu hành tăng từ 180 triệu đơn vị lên 210 đơn vị.
Vinaconex-ICT tiền thân là Ban quản lý dự án Cái Giá – Cát Bà, trực thuộc Vinaconex và được thành lập với nhiệm vụ thực hiện đầu tư dự án Cát Bà Amatina nằm tại vịnh Cái Giá, đảo Cát Bà, TP. Hải Phòng.
Đơn vị này được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex từ năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, VCR vừa có thêm quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp. Theo VCR cho biết, Công ty đang trong giai đoạn đầu tư dự án, nên trong quý 2/2021 VCR chưa có sản phẩm để ghi nhận doanh thu.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 55% so với cùng kỳ, lên mức 3,7 tỷ đồng. Kết quả sau cùng, VCR tiếp tục báo lỗ ròng hơn 3,5 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại thời điểm 30/6/2021 ghi nhận gần 5.141 tỷ đồng, gấp 2,8 lần. Khoản phải trả dài hạn khác phát sinh trong kỳ này, đạt hơn 2.200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VCR âm gần 1.908 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm 18 tỷ đồng.