Công ty tài chính bị cấm đòi nợ kiểu phản cảm

Cách đòi nợ thô bạo của các công ty tài chính bị tuýt còi, song lãi suất cho vay của họ lại được thả nổi.
Công ty tài chính bị cấm đòi nợ kiểu phản cảm

Cho vay dễ dãi, đòi nợ thô bạo

Hồi đầu năm nay, khách hàng một công ty tài chính có trụ sở tại TP.HCM phải gửi đơn kêu cứu lên báo chí vì bị nhân viên công ty này đòi nợ theo kiểu hăm dọa. Không chỉ khách hàng, mà người thân của khách hàng cũng bị nhân viên công ty liên tục làm phiền, hăm dọa đòi nợ.

Ngoài ra, thời gian qua, không ít công ty tài chính lớn khác cũng bị khách hàng và thân nhân, đồng nghiệp của họ tố cáo về cách đòi nợ thô bạo. Cá biệt, có trường hợp không quen biết khách hàng của công ty, nhưng vẫn bị nhân viên công ty khủng bố tin nhắn, điện thoại đòi nợ.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), do điều kiện vay vốn của các công ty tài chính tiêu dùng rất dễ dãi, nên nhiều người không có khả năng trả nợ vẫn nhắm mắt ký bừa, dẫn tới rủi ro nợ xấu rất cao. Khi khách hàng không trả được nợ, các công ty tài chính chuyển sang đòi nợ kiểu xã hội đen, khiến khách hàng hoảng sợ. 80% khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng gửi về Cục thời gian qua liên quan đến tín dụng tiêu dùng.

Cho vay tiêu dùng được coi là thị trường béo bở ở nước ta vì nhu cầu của người dân ngày càng tăng mạnh. Hiện quy mô thị trường này đã lên tới 10 tỷ USD và đang tăng trưởng với mức 2 con số. Sự hấp dẫn của thị trường tài chính tiêu dùng khiến ngày càng nhiều ngân hàng tham gia lĩnh vực này, với làn sóng mua bán công ty tài chính của các ngân hàng diễn ra trong thời gian qua. Tuy nhiên, cách đòi nợ phản cảm của các công ty tài chính thời gian gần đây đã để lại ấn tượng xấu, tạo ra cái nhìn sai lệch cho lĩnh vực này.

Để ngăn chặn hành vi đòi nợ phản cảm, trong Thông tư 43/2016/TT-NHNN vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra quy định về việc thu hồi nợ. Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật. Trong đó, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.

Lãi vay được thả nổi hoàn toàn

Lãi vay tiêu dùng là vấn đề mà khách hàng vay vốn quan tâm nhất. Bộ luật Dân sự 2005 quy định, các bên có quyền thỏa thuận về lãi suất, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về về lãi suất, thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Quy định trên được coi là gây khó cho các công ty tài chính tiêu dùng.

Tuy nhiên, Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính đã hoàn toàn gỡ bỏ trần lãi suất với cho vay tiêu dùng. 

Bà Vương Thủy Tiên, thành viên Hội đồng Thành viên Home Credit Việt Nam cho rằng, sự ra đời của Thông tư 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước là một thay đổi lớn, tích cực trong quản lý của cơ quan chức năng. Theo đó, ngoài việc nêu rõ tổ chức tín dụng (bao gồm cả công ty tài chính) có thể thỏa thuận về lãi suất với khách hàng, Thông tư 43/2016/TT-NHNN còn đơn giản hóa các thủ tục cho vay, tạo thuận lợi cho các công ty tài chính phát triển.

Việc Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn thả nổi lãi suất cho vay tiêu dùng khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, song đa phần chuyên gia kinh tế và giới tài chính ủng hộ, bởi đây là xu hướng tất yếu theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, cùng với tự do hóa lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra những quy định chặt chẽ hơn, bắt buộc các công ty tài chính, các ngân hàng phải minh bạch về lãi suất cho vay, lãi phạt nợ quá hạn...

Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, Thông tư 39/2016/TT-NHNN, Thông tư 43/2016/TT-NHNN có quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện hoạt động cho vay. Cụ thể, hợp đồng thỏa thuận cho vay giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phải có nội dung thỏa thuận về mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay.

Những quy định trên của Ngân hàng Nhà nước nhằm tránh tình trạng công ty tài chính lập lờ về lãi suất cho vay và cách tính lãi đang áp dụng phổ biến hiện nay, khiến khách hàng phải trả lãi suất cao hơn nhiều so với mức lãi suất được giới thiệu ban đầu.

Nhiều công ty tài chính thừa nhận, quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về cho vay tiêu dùng sẽ giúp hoạt động cho vay tiêu dùng minh bạch hơn, tác động tích cực đến hoạt động của cả công ty tài chính lẫn khách hàng. Đặc biệt, các quy định về việc yêu cầu niêm yết lãi suất theo năm trong hợp đồng sẽ giúp khách hàng hình dung rõ hơn về mức lãi suất mà họ phải trả.

Tuy nhiên, bà Vương Thủy Tiên, cũng kiến nghị, các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước buộc công ty phải thay đổi hệ thống về cách tính lãi, lãi phạt quá hạn... Với hơn 2 triệu khách hàng, khối lượng công việc là rất lớn. Ngoài ra, công ty còn phải sửa đổi hợp đồng và đợi sự phê duyệt hợp đồng mẫu của Bộ Công thương. Do đó, thời hạn Thông tư 43/2016/TT-NHNN có hiệu lực vào ngày 15/3/2017 là quá gấp gáp.

Theo Đầu tư

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...