Tôi nhớ đến tựa quyển sách mà ông Salvador – một đối tác của tôi viết cách đây vài năm “Cuộc đời trải nghiệm”. Khi viết cuốn sách này ông đã hơn 70 tuổi và làm việc cùng tôi 6 năm tại Việt nam. Cảm xúc về những chặng đường công việc đã khiến ông viết lên một cuốn sách nhiều chữ nhất trong những cuốn sách mà ông từng làm. Và hôm nay khi tôi đã trở về nhà sau khi đủ hành trình cách ly 14 ngày, tôi tiếp tục tự cách ly thêm một tuần tại nhà để đảm bảo an toàn cho mọi người trong gia đình và trách nhiệm cùng xã hội tôi muốn ghi lại đây một câu chuyện trải nghiệm của mình trong những ngày vừa qua.
Chuyến bay định mệnh…
Nguyện vọng được trở lại Việt Nam của tôi đã thành hiện thực khi tôi nhận tấm vé máy bay được gửi qua email. Thực hiện theo hướng dẫn tôi và con trai có mặt tại sân bay trước bốn tiếng. Có lẽ đây là chuyến bay đặc biệt hơn mọi chuyến bay bình thường, bởi không có người đưa tiễn. Có cái gì đó trầm buồn bên trong mỗi con người nên mọi người đều lặng lẽ hơn. Nhìn bên ngoài thì vậy nhưng tôi nghĩ ai cũng đang ấm áp trong lòng bởi được lên chuyến bay này, được trở về tổ quốc. Chúng tôi đều biết mình là những người may mắn lắm vì nguyện vọng trở về của người Việt tại đây vẫn còn rất nhiều!
Trước 30 phút chuẩn bị lên máy bay, có thông báo phát bộ quần áo bảo hộ, mọi người đứng vào hàng check hộ chiếu để nhận đồ. Bắt đầu từ lúc này tất cả mọi người đều xanh lét, không còn ai nhận ra ai. Không khí lúc đó có chút gì đó căng thẳng nên khi loa tiếp tục gọi xếp hàng lên máy bay theo thứ tự không ai chen lấn hay vội vã. Những người chưa hiểu tiếng Anh hỏi người bên cạnh cũng với giọng thì thào.
Cuối cùng thì hơn 300 hành khách cũng ổn định chỗ ngồi. Khi mặc bộ bảo hộ lên người tôi thấy nó nóng bức hơn mình nghĩ. Có lẽ do chất liệu phải đủ đảm bảo ngăn chặn mọi vi khuẩn xâm nhập. Thế mới hiểu và thương cho những bác sĩ trong bệnh viện, những tiếp viên hàng không… những người vẫn phải làm việc trong bộ đồ này liên tục nhiều giờ, nhiều ngày qua khi dịch Covid-19 ập đến.
Tôi quan sát nhanh mọi người xung quanh. Có cậu bé sinh viên béo tròn ngồi gần tôi đeo hai khẩu trang lồng vào nhau. Đôi tay cũng được bó chặt bởi hai đôi găng tay làm bếp. Tôi hơi mỉm cười nhìn bạn ấy, tôi đoán bạn nhỏ đã nghe lời bố mẹ dặn nên cẩn thận hơn khi bay.
Máy bay cất cánh, hành trình bay cũng như mọi chuyến bay bình thường, chúng tôi được các tiếp viên phục vụ đồ ăn, nước uống đầy đủ. Chỉ khác là mỗi người có một túi rác để tự cho rác vào. Suốt quá trình bay tôi nhiều lúc mệt và mỏi, phải bỏ khẩu trang để hít thở. Dù biết là không nên nhưng cảm giác ngột ngạt khiến tôi lại đau đầu. Tôi cố gắng thả lỏng để cho cảm giác cơ thể nhẹ hơn. Tôi lôi ipad ra định xem phim thì mới biết những bộ phim con gái cài cho mẹ trước khi đi đã thông báo hết thời gian lưu trữ. Thôi đành nhắm mắt để chờ thời gian trôi vậy.
Còn khoảng gần ba tiếng thì máy sẽ hạ cánh. Tôi rời khỏi ghế và đứng lên đi về phía phòng vệ sinh. Trong lúc chờ, tranh thủ làm vài động tác cho khỏi mỏi. Chợt loa thông báo có người bị ngất cần hỗ trợ, hành khách nào là bác sĩ thì tới giúp. Một người đàn ông nhỏ nhắn tầm khoảng 40 tuổi đi về phía tôi rồi nói với tiếp viên “Tôi là bác sĩ”. Anh được dẫn đi xuống cuối khoang. Tôi trở về chỗ ngồi của mình và tiếp tục thả lỏng để cảm giác mệt mỏi đang dâng đầy không trào ra. Khoảng một tiếng sau, tôi thấy cậu bác sĩ được ngồi vào ghế tiếp viên ngồi khi máy bay cất hạ cánh. Trên tay bạn ấy là tập hồ sơ, cặm cụi điền thông tin. Dù đeo khẩu trang tôi vẫn nhận thấy đôi mắt buồn âu lo của cậu bác sĩ ấy. Cho đến khi máy bay hạ cánh, tôi mới biết người hành khách bị ngất ngồi sau mình hơn chục hàng ghế đã ra đi trên bầu trời. Tôi hít thật sâu khi nghe tin này. Cuộc đời thật ngắn ngủi và nhiều điều không ai đoán được. Cầu cho người ấy ra đi được thanh thản và siêu thoát.
“Cuộc đời trải nghiệm”
Chúng tôi hạ cánh tại sân bay Vân Đồn. Mọi người xuống máy bay theo danh sách gọi của tiếp viên, cứ 20 người làm một nhóm. Gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi mới làm xong thủ tục hải quan nhập cảnh cùng khai báo y tế. Khi mọi việc xong thì đoàn khách tiếp tục được hướng dẫn lấy hành lý lên những chiếc xe chờ sẵn để đến khu cách ly. Tôi và con trai đến khu cách ly khi đã gần 6h sáng. Chúng tôi được phun khử trùng cả hành lý và người. Mọi người xếp hàng để làm test Covid ngay sau đó. Tôi và con được xếp chung với nhau một căn phòng nhỏ 2 giường. Tôi đứng lặng, trong đầu chợt trống rỗng. Cả một đời “bay lượn” của mình, chưa khi nào tôi lại trở về nơi không phải nhà mình thế này! Cô y tá thấy tôi đứng sững giữa phòng nói với tôi nhẹ nhàng “Chị và cháu ở đây, cố gắng sinh hoạt trong phòng, hạn chế ra ngoài, bởi các tầng này đều dành cho cách ly, chị cần gì cứ nói với bọn em.” Giọng cô chậm nhẹ, ân cần khiến tôi thấy yên tâm hơn.
Mỗi ngày cách ly của tôi bắt đầu vào 5h sáng. Tôi ra ban công và hít thở không khí ngắm nhìn sân sau của khu mình ở. Xa xa vẫn là những ngôi nhà khấp khiễng kiểu kiến trúc thừa chỗ nào, xây chỗ đó, ai cao ai thấp kệ ai. Mà hình như cái lộn xộn đó mới là “kiểu Việt Nam” thì phải. Tôi khẽ mỉm cười về những suy nghĩ của mình. Hít thở một hồi, tôi buộc tóc lên cao, đeo găng tay, tôi bắt tay vào việc lau chùi, quét dọn, giặt quần áo… công việc này thường kết thúc vào lúc 9h sáng mỗi ngày. Lâu rồi tôi không làm những việc này, giờ thời công nghệ, mọi thứ chỉ bỏ vào máy bấm. Giờ lại hứng nước, ngồi xổm giặt, vắt… tôi nhớ tuổi thơ với những chậu quần áo to đùng bê ra đầu nhà ngồi giặt. Xưa là đôi tay bé nhỏ yếu ớt vắt quần áo, giờ là đôi tay đã mỏi mòn và cũng đã yếu mềm. Tự nhiên tôi chợt nhân ra thời gian đã trôi qua rất lâu giờ bỗng ngoái trở lại, có gì đó thật mềm lòng.
Hàng ngày chúng tôi được ăn ba bữa. Sáng thì mỗi ngày một món ăn sáng khác nhau nào xôi xéo, xôi dừa, bánh cuốn, bánh giò, bánh bánh dày, bánh mỳ… Trưa chiều thì cơm cùng rất nhiều món ăn cá, tôm, thịt, rau thay đổi. Và điều quan trọng hơn là nóng hổi. Mười bốn ngày ở cách ly, mọi thứ về vật chất là đầy đủ khi tôi được mọi người thân quan tâm, chăm sóc và gửi vào thêm. Nhưng vẫn có cái gì đó thiêu thiếu mà chỉ một hai ngày tôi đã nhận ra. Đó là con người. Tôi chỉ nhìn thấy mọi người qua hình ảnh điện thoại, theo dõi xã hội qua báo chí. Thỉnh thoảng tôi lại hỏi anh xã “Ngoài đường thế nào anh?”. Anh trả lời ngắn gọn “đông lắm”. Thế là đủ với tôi, ngoài kia vẫn đông lắm. Còn trong này chỉ hai mẹ con loanh quanh cùng nhau. Tôi vẫn đứng ban công để tìm kiếm bóng người mà không nhìn thấy ai. Thỉnh thoảng đi đổ rác tôi vẫn mong nhìn thấy ai đó hành lang dài, hành lang vẫn dài hun hút không có bóng người nào. Mặc dù tôi biết tất cả các phòng trong tầng của tôi đã kín người ở cách ly. Hình như ai cũng cẩn thận, giữ gìn hơn.
Tôi đọc tin và biết Covid-19 đã xuất hiện trở lại Đà Nẵng rồi TP. HCM rồi HN. Tôi thực sự buồn và lo lắng, không biết Việt Nam mình lại đối mặt thế nào đây. Tài chính, kinh tế đất nước sẽ ra sao khi dịch bệnh ập đến. Đất nước đang phải lo cho từng người dân như tôi từ vùng dịch về được cách ly chăm lo đầy đủ và miễn phí. Rồi cả những người nhiễm bệnh Covid cũng được khám chữa bênh miện phí điều mà chưa nước nào làm được. Và rồi những doanh nghiệp đối mặt với khó khăn bởi đóng cửa giãn cách. Nhất là những người lao động thất nghiệp không có thu nhập…? Nỗi lo lại ập về khiến tôi trằn trọc…
Cuộc đời là những trải nghiệm liên tiếp nhau nhưng không phải trải nghiệm nào cũng có màu sắc rực rỡ. Cuộc trải nghiệm lần này khác hẳn những lần trước mà tôi đã từng qua nhưng nó sẽ mãi là những kỷ niệm khó quên cho một đoạn đường mang tên đặc biệt. Phía trước của tôi vẫn còn nhiều điều phải làm khi doanh nghiệp riêng của mình đang chao đảo bởi sự vắng mặt của tôi quá lâu, khi dịch bệnh đang tấn công toàn thế giới. Nhưng dù thế nào tôi nghĩ mình vẫn phải sống lạc quan, tin tưởng, mạnh mẽ để sát cánh cùng mọi người vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch Covid-19. Nghĩ thế, tôi hít một hơi dài, thở thật sâu, tự dặn lòng “Mạnh mẽ lên!”