Covid-19 làm gia tăng khả năng mắc bệnh “tự miễn”

Sau khi nhiễm Covid-19, một số ít bệnh nhân đã phát triển một loạt các bệnh tự miễn khác nhau.
Covid-19 làm gia tăng khả năng mắc bệnh “tự miễn”

SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19, đôi khi có thể khiến hệ thống miễn dịch vô tình “tấn công nhầm” vào... chính cơ thể chúng ta, là khi bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Quá trình này, được gọi là “tự miễn”, làm tổn thương đến một số cơ quan khác nhau của cơ thể. 

Sau khi nhiễm Covid-19, một số ít bệnh nhân đã phát triển một loạt các bệnh tự miễn khác nhau, bao gồm hội chứng Guillain-Barré, một bệnh rối loạn mà trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh, thường dẫn đến tình trạng ngứa ran và yếu ở tay và chân. Bên cạnh đó, cũng có những báo cáo cho thấy khả năng về một số loại bệnh tự miễn chưa được phát hiện ra trước đây. Điều này cho thấy Covid-19 có thể gây ra các bệnh tự miễn mới.

Các nhà khoa học đã nỗ lực đi sâu vào nghiên cứu các tình trạng bệnh tự miễn là di chứng của Covid-19, và dưới đây là tổng hợp những thông tin được xác định cho đến nay. 

Tóm tắt về hệ thống miễn dịch

Bên trong hệ thống miễn dịch, các tế bào miễn dịch được gọi là tế bào lympho B và T - những “người lính” của hệ thống miễn dịch - thông thường có thể phân biệt giữa “quân ta” và các mục tiêu bên ngoài. 

Khi hệ thống trở nên “bối rối” do virus, các tế bào B và T có thể bắt đầu nhắm mục tiêu vào chính cơ thể chúng ta, hay còn được gọi là hành động “tự miễn”. 

Làm thế nào mà virus có thể kích hoạt khả năng tự miễn dịch?

Hai trong số các cơ chế chính được phát hiện đó chính là việc “bắt chước phân tử” và “kích hoạt ngoài cuộc”.

Bắt chước phân tử xảy ra khi phần virus mà tế bào B hoặc T nhận ra trông giống với protein bình thường trong cơ thể. Sau đó, tế bào B hoặc T coi cả virus và protein là thứ cần phải tấn công và loại bỏ.

Ngoài ra, khi cơ thể nhiễm virus và chúng trực tiếp gây ra tổn thương các cơ quan và làm chết tế bào. Khi các tế bào chết và vỡ ra, chúng sẽ giải phóng các protein tự thân. Và quá trình kích hoạt bên ngoài xảy ra khi các tế bào B và T vô tình tiếp xúc với các protein tự thân và bị nhầm lẫn. 

Một số tình trạng “tự miễn” di chứng sau khi nhiễm Covid-19

Có nhiều báo cáo về tình trạng xảy ra một số bệnh tự miễn ở các bệnh nhân Covid-19 trở nặng như: 

- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE), ảnh hưởng đến khớp, da, tế bào máu cũng như các cơ quan như não, phổi và thận

- Bệnh viêm khớp dạng thấp, ảnh hưởng đến khớp

- Hội chứng Guillain-Barré

- Giảm tiểu cầu miễn dịch, tấn công các tiểu cầu trong máu, dẫn đến bầm tím và chảy máu nhiều

- Bệnh thiếu máu tan máu tự miễn, tấn công các tế bào hồng cầu có thể dẫn đến khó thở, mệt mỏi, đau đầu và đau ngực.

- Trong các báo cáo mô tả sự khởi phát của các bệnh nêu trên, thường các triệu chứng tự miễn sẽ bắt đầu trong hoặc sau các triệu chứng hô hấp.

Không rõ liệu các bệnh nhân đã có khuynh hướng mắc các bệnh này hay việc nhiễm bệnh đã thúc đẩy quá trình tự miễn vốn đã “nhen nhóm” trong cơ thể. Các yếu tố kích hoạt thậm chí có thể khác nhau đối với từng người. 

Đặc biệt, Covid-19 cũng có thể có khả năng kích hoạt các phản ứng tự miễn dịch mới và gây ra các bệnh tự miễn mới. Điều này đã xảy ra với một trường hợp được gọi là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).

Ban đầu được mô tả là giống với bệnh Kawasaki, nhưng MISC-C gây ra các triệu chứng bổ sung như phát ban, sốc, chảy máu nhiều, các vấn đề về tim và các triệu chứng tiêu hóa nghiêm trọng.

Mặc dù tình trạng tự miễn thường được phát hiện ở các trường hợp Covid-19 nghiêm trọng, nhưng vai trò chính xác của chúng đối với các bệnh di chứng sau Covid-19 vẫn chưa được biết rõ và cần phải có các nghiên cứu sâu hơn.

The Conversation

Có thể bạn quan tâm