
Tháng 4/2025 đối với toàn thể đất nước Việt Nam là một tháng đặc biệt bởi sự kiện lịch sử chói lòa.
Mặc cho tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; nguy cơ rủi ro, bất ổn tăng cao do chính sách thuế của nước Mỹ, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp đà tăng trưởng tích cực: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2024; Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với con số 13,8 tỷ USD (tăng 40%); Dự kiến tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%.
CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG
Trong tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,07% so với tháng trước chủ yếu do giá nhà ở thuê, giá thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng. CPI tháng 4/2025 tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2024, lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lạm phát cơ bản tăng 3,05%.
Lạm phát cơ bản tháng 4/2025 tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,05% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,2%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Bên cạnh đó, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh và lập đỉnh mới do bất ổn địa chính trị kéo dài. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2025 tăng 10,54% so với tháng trước; tăng 37,14% so với cùng kỳ năm 2024; tăng 22,43% so với tháng 12/2024. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá vàng tăng 32,85%.
Đồng thời, giá đô la Mỹ trong nước bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.974 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng tăng 0,97% so với tháng trước; tăng 3,17% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,52%.
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ

Nhu cầu tiêu dùng, du lịch của người dân tăng cao do kỳ nghỉ lễ 30/4 cùng với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ từ đầu năm đến nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2025 ước tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong tháng ước đạt 582,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,9%; lương thực, thực phẩm tăng 10,0%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,9%; hàng may mặc tăng 6,6%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,8%; du lịch lữ hành tăng 46,1%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 8,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ tăng 5,4%).
HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP
Cũng trong tháng, cả nước có hơn 15,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 133,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 127,6 nghìn lao động, giảm 2,5% về số doanh nghiệp, tăng 5,8% về số vốn đăng ký và tăng 45,8% về số lao động so với tháng 3/2025.

Nếu so với cùng kỳ năm 2024, tăng 7,4% về số doanh nghiệp, giảm 23,5% về số vốn đăng ký và tăng 51,5% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so với tháng trước và giảm 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, cả nước còn có 9,0 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,2% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 51,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 490,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 355,8 nghìn lao động, giảm 0,9% về số doanh nghiệp, giảm 6,9% về số vốn đăng ký và tăng 1,2% về số lao động so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt 9,5 tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong bốn tháng đầu năm nay là 1.794,4 nghìn tỷ đồng, tăng 91,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, cả nước có 38,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 29,0% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2025 lên hơn 89,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân một tháng có gần 22,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
CÁN CÂN XUẤT - NHẬP KHẨU

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4/2025 đạt 74,32 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 13,0%; nhập khẩu tăng 18,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa:

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng đạt 37,45 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,66 tỷ USD, tăng 5,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,79 tỷ USD, giảm 6,0%.
So với cùng kỳ năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng tăng 19,8%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 25,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 17,2%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,74 tỷ USD, tăng 18,1%, chiếm 29,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 99,6 tỷ USD, tăng 11,0%, chiếm 71,0%.
Nhập khẩu hàng hóa:

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng đạt 36,87 tỷ USD, xấp xỉ bằng kim ngạch tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 14,48 tỷ USD, tăng 3,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,39 tỷ USD, giảm 2,2%.
So với cùng kỳ năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng tăng 22,9%. Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 26,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,0%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 136,55 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,26 tỷ USD, tăng 21,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,29 tỷ USD, tăng 17,1%.
Theo số liệu sơ bộ, lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 9,06 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,31 tỷ USD.
CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP (IIP)
Sản xuất công nghiệp trong tháng 4/2025 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong tháng 4/2025, IIP ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 4,2%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, IIP ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ tăng 6,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,1% (cùng kỳ tăng 6,5%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1% (cùng kỳ tăng 13,0%), đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,2% (cùng kỳ tăng 6,0%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,5% (cùng kỳ giảm 4,1%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm.
THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 ước tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời, chi ngân sách Nhà nước ước tăng 15,2% đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Thu ngân sách Nhà nước:

Tổng thu ngân sách Nhà nước trong tháng ước đạt 199,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 944,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48,0% dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó,
- Thu nội địa tháng 4/2025 ước đạt 168,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 827,2 nghìn tỷ đồng, bằng 49,6% dự toán năm và tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Thu từ dầu thô tháng 4/2025 ước đạt 4,0 nghìn tỷ đồng; lũy kế 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 17,3 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán năm và giảm 12,0% so với cùng kỳ năm 2024.
- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 4/2025 ước đạt 27,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 99,1 nghìn tỷ đồng, bằng 42,2% dự toán năm và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Chi ngân sách Nhà nước:

Tổng chi ngân sách Nhà nước trong tháng ước đạt 164,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 595,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán năm và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, chi thường xuyên 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 425,0 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% dự toán năm và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái; chi đầu tư phát triển đạt 128,5 nghìn tỷ đồng, bằng 16,3% và tăng 16,3%; chi trả nợ lãi 40,7 nghìn tỷ đồng, bằng 36,8% và tăng 2,3%.
VẬN TẢI HÀNH KHÁCH VÀ HÀNG HÓA
Hoạt động vận tải trong tháng tiếp đà sôi động nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong nước cũng như khách quốc tế đến Việt Nam trong kỳ nghỉ lễ cũng như phục vụ sản xuất và xuất, nhập khẩu hàng hóa.
So với cùng kỳ năm 2024, vận tải hành khách trong tháng tăng 29,5% về vận chuyển và tăng 16,1% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 16,4% về vận chuyển và tăng 14,4% về luân chuyển. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, vận chuyển hành khách tăng 19,2% và luân chuyển tăng 13,0% so với cùng kỳ năm ngoái; vận chuyển hàng hóa tăng 14,7% và luân chuyển tăng 11,5%.

Vận tải hành khách tháng 4/2025 ước đạt 486,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 5,9% so với tháng trước và luân chuyển 25,2 tỷ lượt khách/km, tăng 5,2%. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, vận tải hành khách ước đạt 1.880,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ tăng 6,8%) và luân chuyển đạt 101,1 tỷ lượt khách/km, tăng 13,0% (cùng kỳ tăng 12,4%).
Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.874,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái và 79,9 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 14,3%; vận tải ngoài nước ước đạt 6,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,4% và 21,2 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 8,2%.
Về vận tải hàng hóa, tháng 4/2025 ước đạt 241,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,9% so với tháng trước và luân chuyển 48,1 tỷ tấn/km, tăng 1,0%. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, vận tải hàng hóa ước đạt 949,1 triệu tấn vận chuyển, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ tăng 12,2%) và luân chuyển 188,9 tỷ tấn/km, tăng 11,5% (cùng kỳ tăng 9,3%).
Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 931,9 triệu tấn vận chuyển, tăng 14,8% và 110,8 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 6,8%; vận tải ngoài nước ước đạt 17,2 triệu tấn vận chuyển, tăng 11,5% và 78,1 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 19,0%.
KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM

Nhờ có chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng cao.

Trong tháng, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,65 triệu lượt người, giảm 19,5% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,67 triệu lượt người, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 6,59 triệu lượt người, chiếm 85,9% lượng khách quốc tế đến và tăng 27,0% so với cùng kỳ năm 2024; bằng đường bộ đạt 924,9 nghìn lượt người, chiếm 12,0% và tăng 7,9%; bằng đường biển đạt 158,3 nghìn lượt người, chiếm 2,1% và tăng 4,5%.
VỐN FDI ĐĂNG KÝ CẤP MỚI

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng ước đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2024, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý đạt 8,0 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1%; vốn địa phương quản lý 40,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4%. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch năm và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ bằng 18,0% và tăng 4,4%).
Trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam của 4 tháng đầu năm 2025, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,6 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,52 tỷ USD, chiếm 27,1%; Nhật Bản 573,2 triệu USD, chiếm 10,3%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (TQ) 499,9 triệu USD, chiếm 8,9%; Đài Loan (TQ) 389,6 triệu USD, chiếm 7,0%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 232,8 triệu USD, chiếm 4,2%; Hàn Quốc 148 triệu USD, chiếm 2,6%.

7 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI đăng ký cấp mới là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.