Covid-19: Phép thử lớn với tình hình xã hội, kinh tế toàn cầu

Nỗi lo sợ về dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến sự trượt dốc mang tính lịch sử của thị trường chứng khoán, khiến các quốc gia đóng cửa biên giới và xáo trộn cuộc sống hàng ngày của người dân toàn cầu.

Chính phủ các nước đang chung tay thực hiện mọi biện pháp quyết liệt để cố gắng giảm thiểu mức độ lây lan và nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu. 

Thị trường tài chính đã có những ngày tồi tệ nhất trong hơn 30 năm qua, mặc dù nhiều biện pháp khẩn cấp được các ngân hàng trung ương đưa ra để ngăn chặn suy thoái kinh tế. Chứng khoán Mỹ sụt giảm 12% - xoá sạch hàng nghìn tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong một thời gian ngắn. 

Chỉ trước đó 1 tháng, thị trường tài chính đã chứng kiến mức tăng kỷ lục “nhờ vào” giả định dịch bệnh có thể chỉ xảy ra ở Trung Quốc và hậu quả sẽ không vượt quá mức độ mà đại dịch SARS, MERS hay Ebola trước đây gây ra. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, các ca nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đã ngày càng gia tăng, với tổng số hơn 180.000 trường hợp trên toàn cầu và 7.000 người đã tử vong. 

Canada, Chile và nhiều quốc gia khác đã chính thức đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài. Peru triển khai đội ngũ nhân viên quân sự chắn lối trên các con đường lớn, trong khi đó, Ireland phát động một chiến dịch tuyển dụng khẩn cấp nhân viên y tế. 

Covid-19: Phép thử lớn với tình hình xã hội, kinh tế toàn cầu ảnh 1

Các hãng hàng không trên thế giới đã cắt giảm chuyến bay, tạm ngừng công việc và yêu cầu chính phủ cho vay hàng tỷ USD trợ cấp để vượt qua thời kỳ khó khăn này. 

Trái ngược với phần lớn thế giới, Mexico và Brazil vẫn tổ chức các cuộc mít tinh chính trị lớn và Anh Quốc vẫn để các trường học mở cửa bình thường. 

Trung tâm tài chính và du lịch của Trung Đông - Dubai cho biết họ sẽ đóng cửa tất cả các quán bar, nhà hàng cho đến hết tháng. Thái Lan thực hiện kế hoạch đóng cửa trường học, quán bar, rạp chiếu phim và đấu trường đá gà nổi tiếng. 

Tại Ý, Thủ tướng Giuseppe Conte phát biểu trên nhật báo Corriere della Sera rằng dịch bệnh vẫn đang ngày càng trở nên tồi tệ, mặc dù thống đốc vùng Lombardy - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Ý - cho biết ông đã thấy được những dấu hiệu chậm lại của đợt bùng phát. 

Các bộ trưởng tài chính EU đã lên một kế hoạch kinh tế để phản ứng lại với dịch bệnh nhưng Uỷ ban châu Âu lại cho rằng việc này có thể đẩy Liên minh EU đến suy thoái.

Tây Ban Nha và Pháp đã nhanh chóng áp dụng lệnh phong toả và “khoá chặt” quốc gia sau khi phải chứng kiến các ca tử vong tăng vọt chỉ sau nước Ý. 

Covid-19: Phép thử lớn với tình hình xã hội, kinh tế toàn cầu ảnh 2

Tại Mỹ, TT Donald Trump đã kêu gọi người dân tạm dừng hầu hết các hoạt động công cộng trong vòng 15 ngày và không tụ tập các nhóm lớn hơn 10 người. Đây là một trong những nỗ lực mới nhằm giảm thiểu sự lây lan nhanh chóng của Covid-19. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn chưa đóng cửa biên giới hay tạm dừng các hệ thống kinh doanh ở quy mô quốc gia. 

Trong một bài phát biểu, TT Donald Trump đã gọi dịch bệnh Covid-19 là một “kẻ thù vô hình” và cho biết đợt bùng phát tồi tệ nhất có thể sẽ chấm dứt vào tháng 7, tháng 8 hoặc thậm chí muộn hơn. Đồng thời, ông cũng cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Một cố vấn Nhà Trắng tiết lộ, Hoa Kỳ có thể sẽ hỗ trợ 800 tỷ USD để giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra.

Nguồn: Reuters

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm