Nhưng 2 tuần cuối tháng với sự gom mua những mã cổ phiếu chủ chốt trên thị trường đã giúp VN Index đã bứt phá thành công ngưỡng kháng cự 680 điểm vào phiên 27/9, sau đó vượt qua mốc 688,55 điểm ở phiên 29/9 (có thời khắc lập đỉnh mới 691 điểm trong phiên) - đây là mốc cao nhất sau hơn 8 năm kể từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Bước sang tháng 10, trước áp lực chốt lời ngắn hạn, cộng với những phân tích trái chiều về sự tăng đột biến của thị trường trong tháng 9… Đáng chú ý, thị trường đang xuất hiện những thông tin không mấy khả quan khi mà các yếu tố rủi ro vẫn đang hiện hữu.
Đà bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước vẫn tiếp diễn trong những phiên gần đây, có thể do một số quỹ hoàn tất chu kỳ đầu tư và thực hiện thoái vốn, hay tác động tâm lý từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và hiệu ứng bán ròng trước thềm cuộc họp của FED vào tháng 12 tới.
Bên cạnh đó, tác động gián tiếp từ hệ thống ngân hàng châu Âu cũng cần phải cân nhắc, khi hàng loạt ngân hàng lớn thu hẹp quy mô, tái cơ cấu triệt để. Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản là không mấy khả quan.
Thị trường đã có một số phiên bị rung lắc, chỉ số VN Index đã bị kéo sụt xuống ngưỡng 680 điểm (tính đến phiên giao dịch ngày 11/10). Tuy nhiên, quan sát trên thị trường gần đây cho thấy, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá ổn định khi dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán trong nhiều phiên gần đây không hề bị sụt giảm khi thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao Điều này cho thấy nhà đầu tư giao dịch khá sôi động chứ không quá thận trọng trong ngắn hạn.
Theo giới phân tích, nếu nhìn nhận trên phương diện kinh tế vĩ mô có thể thấy, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trì hoãn tăng lãi suất; hay như Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thông qua cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu cũng có tác động tốt đến nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước từ đó sẽ kéo chỉ số thị trường tăng.
Thêm vào đó, kỳ vọng thị trường vẫn giữ được đà tăng tích cực khi nền kinh tế vĩ mô đang vận hành đúng hướng, mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong quý III (đạt 6,4%). Lạm phát ở mức thấp. Trong tháng 9, đầu tư gián tiếp tăng, chứng khoán tăng kỷ lục, cao nhất trong 9 năm qua, thu hút vốn FDI đạt khá, xuất siêu tăng, kiều hối rót mạnh vào lĩnh vực sản xuất.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) liên tục củng cố trên ngưỡng 50 điểm cho thấy, hoạt động sản xuất vẫn đang tăng trưởng lành mạnh và sức khỏe của các DN khá tốt. Đặc biệt, trong tháng 9/2016 PMI đạt 52,9 điểm, đây là mức cao nhất 16 tháng qua và cao hơn nhiều nước trong khu vực. Điều này thể hiện việc làm tăng trong 5 năm rưỡi qua.
Trên thị trường tài chính, dòng tiền trong nước vẫn đang duy trì trạng thái tích cực. Đáng chú ý, cung tiền duy trì ở mức cao, các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm, cùng với việc Chính phủ hoàn tất kế hoạch phát hành trái phiếu và hoạt động thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại các DN đầu ngành tiếp tục được đẩy mạnh, sẽ củng cố đà tăng trưởng của thị trường cũng như tạo tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư.
Còn trên phương diện thị trường, trong thời gian tới cung hàng hóa trên thị trường chứng khoán sẽ được bổ sung khi Thông tư 115 của Bộ Tài chính ban hành thay thế Thông tư 196 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các DN 100% vốn nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/11/2016.
Theo đó, kể từ ngày 11/11/2016 cổ phần đấu giá qua Sở giao dịch Chứng khoán sẽ tự động được đưa vào giao dịch trên hệ thống UPCoM (Hệ thống giao dịch dành cho cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết) trong vòng 15 ngày.
Cụ thể theo Thông tư 115, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần trúng đấu giá, Sở Giao dịch chứng khoán nơi thực hiện đấu giá sẽ gửi Trung tâm lưu ký chứng khoán, HNX văn bản thông báo giá thanh toán bình quân kèm danh sách người trúng giá. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần, DN cổ phần hóa phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và công bố thông tin về kết quả bán cổ phần kèm theo xác nhận của NHTM nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt đấu giá.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả đấu giá cổ phần, UBCK gửi thông báo xác nhận kết quả đấu giá cho DN cổ phần hóa, HNX và VSD. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của UBCKNN, HNX đưa cổ phần giao dịch lên Upcom. Giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên được xác định trên cơ sở giá thanh toán bình quân.
Đây được coi là một cú hích lớn cho thị trường chứng khoán khi cổ phiếu của các DN lớn sau thực hiện đấu giá cổ phần kể từ ngày 1/11/2016 sẽ là bắt buộc và tự động chứ không phải là việc DN muốn hay không muốn lên sàn.
Ngoài ra, một trong những sự kiện đáng quan tâm sẽ góp phần tăng tính minh bạch cho thị trường đó là kể từ ngày 24/10 thị trường chứng khoán sẽ chính thức ra mắt bộ chỉ số chung VNX Allshare cho cả hai Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đánh dấu bước trưởng thành của thị trường Việt Nam bởi đây là cơ sở để HOSE và HNX sáp nhập thành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Việc sử dụng một chỉ số chung sẽ phản ánh chính xác hơn về diễn biến thị trường, qua đó, giúp cho nhà đầu tư dễ dàng cập nhật xu hướng và giao dịch của tổng thể thị trường một cách bao quát và dễ dàng hơn./.
Khánh Hạ