Cùng khơi nguồn cổ điển: Không cần cố hiểu tác phẩm, hãy lẵng nghe và cảm nhận theo sự dẫn dắt của trái tim

cung-khoi-nguon-co-dien-9521.jpg

Mới khoảng 30 - 40 năm về trước thôi, các buổi diễn của Dàn nhạc giao hưởng Berlin cùng nhạc trưởng Herbert von Karajan luôn chật kín các nhà hát rộng lớn, người ta xếp hàng cả đêm tới sáng để mua được tấm vé vào nghe bộ ba tenor Pavarotti - Domingo - Carecas cùng hòa giọng. Sức hút của nhạc cổ điển khi đó không thua gì các thể loại âm nhạc đại chúng... Nhưng hiện giờ thì sao?

tit1-3896.jpg

Thông tin về nhạc cổ điển đúng là ngày càng ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, ngay cả các dàn nhạc ăn khách nhất cũng phải vật lộn với bài toán thu hút công chúng, liên tục cắt giảm quy mô vì lượng người nghe giảm sút. Đại đa số người dưới 40 tuổi giữ thái độ "kính nhi viễn chi" với dòng nhạc này. Trong vòng hơn ba thập kỷ qua, không xuất hiện một tác phẩm nào khả dĩ sánh được với các kiệt tác của tiền bối. Nhạc cổ điển dường như đang đi vào ngõ hẹp không lối ra…

sir-simon-rattle-m-3364.jpg
Sir Simon Rattle được bầu làm nhạc trưởng của Berlin Philharmonic từ năm 1999

Có quá nhiều lý do để người ta từ chối nghe nhạc cổ điển. Hay được viện dẫn nhiều nhất là hai chữ "bác học" – tức thể loại âm nhạc chỉ dành cho những người hiểu biết, trí thức cao và người làm chuyên môn âm nhạc. Dài, phức tạp cũng là một lý do, (hầu như) không có lời cũng là một lý do, và trừu tượng cũng là một lý do. Để cảm nhận, thay vì nhún nhẩy, nhịp chân hay hát theo, người nghe lại phải giữ im lặng hoàn toàn, tập trung vào màn trình diễn chỉ hấp dẫn ở âm thanh chứ không nổi bật về hình thức, không nặng tính giai điệu.

Một vấn đề nữa là môi trường. Đa số công chúng đều có tâm lý chạy theo đám đông, huống hồ, những pop, rock, hip-hop, R&B... dễ thẩm thấu, dễ phân biệt hay dở hơn. Tới jazz đã là một “đẳng cấp” khác, huống hồ là cổ điển. Tâm lý ngại khó cũng là một rào cản lớn, dù việc mua vé giờ đây đã dễ dàng hơn, giá vé cũng rẻ hơn, các dàn nhạc lớn nhỏ đều công bố lịch diễn hàng tháng, hàng năm rõ ràng, đầy đủ.

Tất cả các lý do trên, xét cho cùng, cũng chỉ là lý do. Vấn đề chính nằm ở sự kiên nhẫn và tấm lòng khát khao tìm tòi, hướng tới cái đẹp. Không phải tất cả người mê cổ điển đều có may mắn tiếp xúc với thể loại âm nhạc này từ lúc còn nhỏ, cũng chẳng phải tất cả đều làm trong ngành âm nhạc hay thuộc tầng lớp trí thức cao. Trong mỗi con người hình như có một tiểu vũ trụ. Ở đó có rất nhiều thứ mà chúng ta chưa thể khám phá hết. Khả năng cảm thụ, nhận thức, say mê triết học, toán học, âm nhạc, hội họa có thể là một số thứ đang còn ngủ yên. Chỉ cần được khơi thông, chúng sẽ trở thành những suối nguồn tuôn chảy.

tit2-2720.jpg

Trong những giai điệu chúng ta thường nghe, có rất nhiều trích dẫn từ các tác phẩm cổ điển, nhưng có mấy người để ý, có mấy người thắc mắc và có mấy người mầy mò tìm nghe lại cho bằng được? Cả một gia tài âm nhạc khổng lồ cứ thế bị bỏ qua. Đây là thiệt thòi lớn, bởi chúng ta có quyền (và hoàn toàn có khả năng) thụ hưởng những giá trị rất cao về mặt tinh thần, giúp bồi đắp nền tảng văn hóa chung. Năm 2006, ca sĩ Mỹ Linh, nhạc sĩ Dương Thụ cùng ban nhạc Anh Em tung ra album Chat Với Mozart, trong đó, các trích đoạn từ nhiều tác phẩm của Tchaicovsky, Saint-Saens, Schumann, Vivaldi... được đặt ca từ lời Việt, hòa âm phối khí theo kiểu hiện đại, nhằm hướng sự quan tâm của giới trẻ tới nhạc cổ điển nhiều hơn nữa.

mozarts-best-works-3336.jpg

Tiếc thay, album này lại bị chính những người hay nghe nhạc cổ điển khi đó từ chối với lý do "bôi bác, làm hỏng dòng nhạc vĩ đại nhất của nhân loại". Nhưng chính họ cũng quên, hoặc không biết rằng trên thế giới đã có nhiều album tương tự Chat Với Mozart, tiêu biểu như Greatest Love Classics của Andy Williams, Romance With Beethoven, Bach And... của Salena Jones, đều đặt lời và hát lại các trích đoạn cổ điển nổi tiếng của Beethoven, Debussy, Dvorak, Rachmaninoff, Debussy, Schubert...

Đó là chưa kể đến Coolio từng đọc rap rất điệu nghệ trên nền bản Canon in D của Pachebel trong ca khúc C U When U Get There hay nhóm Tran-Siberian Orchestra “rock hóa” nhiều trích đoạn quen thuộc của Beethoven trong album Beethoven’s Last Night, tam tấu Jacques Loussier chơi các tác phẩm của J.S. Bach theo phong cách jazz.

tit3-3151.jpg

Có nhiều cách tiếp cận với âm nhạc cổ điển, tùy theo sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Các chuyên gia, nhạc sĩ thường khuyên người nghe bắt đầu bằng những khúc nhạc ngắn như etude, prelude, nocturne... Nét nhạc gọn gàng, chỉ như một nét vẽ phác, gợi dòng cảm xúc thoáng qua. Đôi khi, chỉ là niềm cảm hứng của nhạc sĩ trên nền các vũ khúc dân gian. Song âm nhạc vẫn đủ chiều sâu, thấm vào mỗi người theo từng lối riêng và đọng lại. Chỉ thế thôi, không cần suy ngẫm nhiều làm gì.

Để đi tiếp, người nghe sẽ làm quen với sonata – bản nhạc viết cho một, hai nhạc cụ... Rồi đến các tam tấu, tứ tấu viết cho ba, bốn nhạc cụ. Lên bậc cao hơn là các concerto, gồm hai, ba, bốn chương, viết cho nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc. Kế đó là symphony, thể loại mang chủ đề lớn, kết cấu thường có ba, bốn, thậm chí năm chương (như giao hưởng Đồng Quê của Beethoven). Nếu còn có thể đi thêm, cái đích cuối cùng sẽ là opera – nhạc kịch. Đây là hội tụ đồ sộ nhất giữa âm nhạc, múa, thanh nhạc. Lộng lẫy, hoành tráng.

box-5735.jpg

Cũng có một cách khác để tiếp cận với nhạc cổ điển. Đó là bắt đầu bằng các nhạc khúc, trích đoạn nổi tiếng – rất dễ tìm thấy trong các bộ đĩa tuyển chọn. Giai điệu lôi cuốn, dễ cảm nhận ngay từ lần thưởng thức đầu tiên, mang đến hình dung dòng nhạc này cũng không phải quá cao siêu như đồn đại. Sau đó rồi làm quen dần với các tác phẩm khác với độ phức tạp tăng dần. Song song với việc nghe là tích lũy kiến thức về những thứ mình nghe. Nên tra cứu thông tin để biết mình đang nghe thể loại gì, tác giả là ai, nội dung, chủ đề ra sao, nằm ở giai đoạn nào. Nghe và tìm hiểu, tìm hiểu và nghe, hai công việc đó bổ trợ cho nhau và nuôi hứng thú, không để nó lụi tàn.

Nhiều người từng ví von, nghe nhạc cổ điển giống như bóc vỏ hành vậy. Sau mỗi lớp vỏ lại là một lớp vỏ khác. Nhạc cổ điển, đặc biệt là các giao hưởng lớn cần nghe đi nghe lại nhiều lần mới thẩm thấu được hết cái hay, cái đẹp của nó. Dàn nhạc giao hưởng Vienna, ngày đầu năm nào cũng có một buổi New Year Concert, chỉ chơi một số tác phẩm nhất định, mỗi năm mời một nhạc trưởng (toàn là những cái tên danh giá, đến từ khắp nơi trên thế giới). Mỗi người một phong cách, một cá tính và khán thính giả năm nào cũng nghe những tác phẩm đó nhưng không hề cảm thấy nhàm chán.

Nhiều tác phẩm cổ điển là những câu chuyện có cấu trúc lớn, được kể lại bằng nghệ thuật ẩn dụ. Nhưng cũng tồn tại vô số tác phẩm không có nội dung rõ ràng, đơn thuần diễn đạt vẻ đẹp của âm nhạc, dùng âm nhạc mô tả vẻ đẹp của cuộc sống. Chỉ cần kiên nhẫn, cánh cửa vào "ngôi đền thiêng" của âm nhạc sẽ mở rộng trước mắt...

Xem thêm

Muji: Nền tảng văn hoá tối giản tạo nên một đế chế phong cách sống toàn cầu

Muji: Nền tảng văn hoá tối giản tạo nên một đế chế phong cách sống toàn cầu

Cách tiếp cận tối giản nhưng tinh tế của Muji không chỉ thành công tại quê hương Nhật Bản mà còn ở khắp nơi thế giới. Ngày nay, dòng chữ Muji có mặt tại khắp các con phố mua sắm sầm uất nhất, từ Đại lộ số 5 ở New York đến Phố Oxford ở London, Đường Orchard ở Singapore hay Porte du Pont-Neuf ở Paris…

Ly cà phê sáng của bạn bền vững tới đâu?

Ly cà phê sáng của bạn bền vững tới đâu?

Bên cạnh lượng phát thải từ khâu chuẩn bị, rác thải ra sau khi người tiêu dùng sử dụng hộp và viên nén cà phê tạo thành phát thải thứ cấp và góp phần chất đầy thêm các bãi tập kết rác...

Nhà giàu mua tranh... để làm gì?

Nhà giàu mua tranh... để làm gì?

Nếu được tiêu số tiền lên đến 500 triệu USD, chúng ta sẽ mua những gì? Lựa chọn nhiều không kể xiết, như tòa lâu đài cổ với 28 phòng ngủ ở ngoại ô Paris và khoảng chín dinh thự tương đương như vậy, 100 chiếc Koenigsegg CCXR Trevita hoặc 6 máy bay cá nhân Boeing 757 phục vụ cho việc di chuyển...

Có thể bạn quan tâm

Katsushika Hokusai: Người thay đổi hội hoạ Nhật Bản và thế giới

Katsushika Hokusai: Người thay đổi hội hoạ Nhật Bản và thế giới

Một trận hoả hoạn đã gần như ‘đốt cháy’ 7 thập kỷ sáng tác cùng khối lượng lớn trong gần 30.000 tác phẩm của Katsushika Hokusai, nhưng không có ngọn lửa hung tợn nào có thể thiêu rụi được tài năng cũng như tầm ảnh hưởng của danh hoạ hàng đầu Nhật Bản...

Phạm Thuý Anh vừa tổ chức triển lãm “ Hồng sen - Tháng Sáu”

Mùa sen với người đẹp Phạm Thuý Anh

Chị Phạm Thuý Anh tổ chức triển lãm “ Hồng sen - Tháng Sáu” chủ nhân toàn bộ 18 bức tranh được triển lãm tại ngôi nhà di sản/ biệt thự cổ mới trùng tu 49 Trần Hưng Đạo...

Chuyện nữ nhà báo mê sen Tây Hồ

Chuyện nữ nhà báo mê sen Tây Hồ

Sen vốn đã là thứ hoa mọc lên từ thuở khai thiên lập địa của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trước khi trở thành quốc hoa của nước Việt Nam...

Những vùng đất quyến rũ nhất ở châu Phi

Những vùng đất quyến rũ nhất ở châu Phi

Lớn thứ 2 trên thế giới, châu Phi là lục địa cực kỳ đa dạng cả về địa lý và dân số đồng thời sở hữu nhiều điểm tham quan tuyệt vời đáng để chiêm ngưỡng...