Ngày 19/8, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cho biết vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức, với lãi suất cao nhất lên tới 10,2%/năm. Cụ thể, chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng là 9,5%/năm, 36 tháng là 9,8%/năm, 48 tháng là 10%/năm và 60 tháng là 10,2%/năm. Đây là mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay, cao hơn cả mức lãi suất gửi tiết kiệm tối đa tại ngân hàng này là 8,6%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9,1%/năm dành cho khách hàng cá nhân, kì hạn 24 tháng với số tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng đưa ra chính sách "ngày vàng" hút tiền khi đẩy lãi suất lên đến đỉnh 9,1%, áp dụng từ ngày 20-24/8, gửi kỳ hạn càng dài lãi càng lớn. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất là 8,1%/năm, 12 tháng là 8,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng có lãi suất là 8,6%/năm và 61 tháng có lãi suất là 9,1%/năm. Riêng kỳ hạn 61 tháng được phát hành dưới dạng chứng chỉ tiền gửi.
Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng khác cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 - 36 tháng với lãi suất gần 9%/năm, như SHB, Sacombank, SeABank,...
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm theo xu hướng tăng trong khi biểu lãi suất mới nhất cũng mới chỉ cập nhật hồi đầu tháng 8.
Có thể kể đến, ABBank thông báo tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm, lần lượt tăng 0,7% và 0,8% so với mức lãi suất cũ.
Ngân hàng SHB vừa điều chỉnh lãi suất lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 7% lên 7,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng lên 8%/năm, 12 tháng lên 8,1%/năm và kỳ hạn 13 tháng lên 8,2%/năm. Trước đó, lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ ở mức 7,2%/năm.
Ngân hàng OCB cũng công bố biểu lãi suất áp dụng từ ngày 12/8 với lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy là 8%/năm, áp dụng với kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,3% so với trước.
Ở một ngân hàng khác là VPBank, lãi suất cũng vừa được điều chỉnh tăng mạnh kể từ hôm nay 22/8. Theo biểu lãi suất mới nhất gửi tới khách hàng, nếu gửi dưới 300 triệu thì lãi suất là 7,4%/năm còn 300 triệu đến dưới 1 tỷ là 7,7%/năm và 1 tỷ trở lên là 7,9 - 8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Nếu gửi từ 18 tháng trở lên, tùy từng khoản tiền mà lãi suất dao động từ 7,6 - 8,2%/năm. Các mức lãi suất này cao hơn so với trước đó 0,2- 0,4 điểm phần trăm.
Trong khi đó tại HDBank, ngân hàng cũng đã đẩy lãi suất lên cao nhất là 7,9%/năm không quy định gửi bao nhiêu, chỉ cần trong tài khoản thanh toán tồn tại số dư tối thiểu 1 triệu đồng trong thời gian 30 ngày liên tiếp trước đó và gửi 6 tháng trở lên. Với các khách hàng cao tuổi, ngân hàng không yêu cầu bất cứ điều kiện nào.
Eximbank cho biết, kể từ ngày 20/8 áp dụng biểu lãi suất mới điều chỉnh tăng mạnh so với biểu lãi suất cũ, kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,8%/ năm lên 7,8%/năm. Đối với tài khoản tiền gửi, tiết kiệm mở mới với mức gửi từ 100 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 13 tháng có lãi suất là 8,4%/năm.
Thâm chí, có một tín hiệu mới là lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại BIDV và VietinBank hiện đã tăng lên mức 7%, cao hơn so với mức 6,8-6,9% trước đó. Các ngân hàng quốc doanh thường có lãi suất huy động thấp hơn bình quân mặt bằng chung, nhưng vẫn huy động được lượng lớn tiền gửi.
Lãi suất của các ngân hàng tăng mạnh, chủ yếu là kỳ hạn 6 tháng trở lên, được bản thân ngân hàng lý giải do nhu cầu vốn trung và dài hạn để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực cho mùa kinh doanh cuối năm.
Ngoài ra, lãi suất cao còn được cho là để cạnh tranh trực tiếp với dòng tiền đang chảy mạnh vào trái phiếu doanh nghiệp khi không ít các doanh nghiệp đã đẩy lãi suất lên đến 13 - 15%/năm.