Cựu sếp bị bắt, cổ đông DongABank lại "nín thở"

Việc khởi tố hai nguyên lãnh đạo cấp cao cùng với việc DongAbank chịu sự kiểm soát đặc biệt suốt một năm rưỡi vừa qua làm dấy lên nghi ngại về khả năng ngân hàng này tiếp tục bị mua lại với giá 0 đồng
Cựu sếp bị bắt, cổ đông DongABank lại "nín thở"

DongAbank là nhà băng thứ 4 bị kiểm soát đặc biệt, phát lộ sai phạm của các lãnh đạo chủ chốt 

Khởi tố lãnh đạo

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongAbank) chính thức xác nhận chiều 10/12, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng giám đốc và nguyên phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Vân cùng 3 nhân viên có liên quan. Lý do vì vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.

Do các lãnh đạo này đã bị đình chỉ chức vụ, không điều hành ngân hàng gần 1 năm rưỡi qua nên DongAbank khẳng định: việc khởi tố bị cán này “hoàn toàn không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của ngân hàng”.

Đồng thời, ngân hàng khẳng định: mọi hoạt động kinh doanh tại ngân hàng vẫn đang diễn ra bình thường, đảm bảo mọi quyền lợi của khách hàng và sẵn sàng đáp ứng khả năng chi trả đầy đủ…

Hiện, DongABank chưa công bố thông tin gì thêm về nguyên nhân cũng như vi phạm của ông Bình và bà Vân trong quá khứ điều hành để dẫn tới bước đường lao lý.

Còn nhớ, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố kết luận thanh tra DongABank và quyết định đưa ngân hàng vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 13/8/2015. Đồng thời, miễn nhiệm đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt DongAbank. 

Ngân hàng Nhà nước cho hay đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân tại DongABank vi phạm pháp luật gây thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tiếp đó, ngày 20/8/2015 ông Trần Phương Bình đã bị đình chỉ cả hai chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Vân cũng bị đình chỉ chức vụ cùng thời điểm.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã cử các cán bộ của ngân hàng BIDV sang nắm giữ một số vị trí lãnh đạo chủ chốt để thực hiện quản trị điều hành kiểm soát đặc biệt đối với DongAbank. Để trấn an thị trường, cơ quan quản lý đã cam kết “triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm hoạt động của DongABank được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền các quyền nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật”.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai cơ cấu lại toàn diện DongABank để đưa ngân hàng này hoạt động an toàn lành mạnh và phát triển bền vững.

Nợ xấu tăng mạnh, “sa lầy” thua lỗ

Những động thái diễn ra với DongAbank vừa qua cũng từng được ghi nhận ở 3 ngân hàng 0 đồng là VNCB, GPBank và Oceanbank, khi cả dàn lãnh đạo cấp cao bị khởi tố, bắt giam vì sai phạm trong điều hành. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước công bố hiện trạng của 3 ngân hàng 0 đồng đều đã kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, nợ xấu rất lớn… dẫn tới phải thực hiện biện pháp mua lại bắt buộc để tái cơ cấu.

Số liệu cập nhật gần nhất là quý 3/2015 cho thấy, 9 tháng năm 2015 ngân hàng chỉ có lợi nhuận sau thuế 149 tỷ đồng. Tính ra DongABank đã bị lỗ hơn 122 tỷ đồng trong quý 4 (trước đó quý 3/2015 bị lỗ 76 tỷ đồng). Vốn điều lệ vẫn duy trì ở mức 5.000 tỷ đồng sau kế hoạch tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng bất thành.

Năm 2014, DongABank có thu nhập lãi thuần 1.483 tỷ đồng, giảm 33,4% so với năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ đạt 511 tỷ đồng và lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối gần 52,7 tỷ đồng. Còn hoạt động mua bán chứng khoán vẫn báo lỗ 20,92 tỷ đồng (năm 2013 bị lỗ 82 tỷ đồng). Ngân hàng đã trích chi phí dự phòng rủi ro hơn 566,7 tỷ đồng. Do đó, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt vỏn vẹn…35,1 tỷ đồng và lãi ròng 26,98 tỷ đồng và giảm gần 92% so với năm trước.

Trong thư tay gửi lời xin lỗi cổ đông, khách hàng tháng 8/2015, ông Trần Phương Bình đã tự nhận trách nhiệm cá nhân vì “đã có một số quyết sách dẫn tới hệ quả xấu như ngày nay”.

Sau khi bị kiểm soát đặc biệt, DongAbank hạn chế công bố báo cáo tài chính chi tiết năm 2015 và 2016.

Trong thông báo bắt giữ lãnh đạo ngày 10/12, DongAbank cho biết ngắn gọn về kết quả kinh doanh, cụ thể: trong 11 tháng đầu năm 2016, nguồn vốn huy động tăng liên tục với mức tăng 1,5%/tháng. Huy động vốn đến cuối tháng 11/2016 đã tăng trưởng hơn 5% so cuối năm trước.

Dư nợ tín dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại từ tháng 8/2016 đến nay. Tính từ 13/8/2015 (thời điểm kiểm soát đặc biệt) đến hết 30/11/2016 thì ngân hàng đã xử lý và thu hồi được 3.655 tỷ đồng nợ xấu.

Nhưng DongABank khi bị kiểm soát đặc biệt và dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã dần ổn định, cải thiện, đảm bảo thanh khoản, chi trả… Tỷ lệ dự trữ thanh khoản hiện tại là 20% (so với quy định của Ngân hàng nhà nước là 10%).

Tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với VND là 82% (so với quy định của Ngân hàng nhà nước là 50%). Tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với các loại ngoại tệ quy đổi USD là 106% (so với quy định là 10%).

Tại hội thảo ngày 6/12 vừa qua, lãnh đạo C46 khi đề cập tới khối tài sản “mắc kẹt” tại các ngân hàng, đã hé lộ giá trị tài sản kê biên liên quan nợ xấu trong các vụ án hình sự ở ngân hàng rất lớn. Đơn cử, khối tài sản tại VNCB bị đọng lại khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Còn 3 ngân hàng 0 đồng như GPBank, Oceanbank và sau đây là DongAbank tổng số lên tới 50-70 nghìn tỷ đồng.

Hiện, cổ đông, khách hàng vẫn đang “nín thở” chờ đợi động thái xử lý lãnh đạo DongABank cũng như quyết định biện pháp cơ cấu lại nhà băng này cứng rắn hơn.

DongABank phát đi thông báo khẳng định: "Việc Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố các bị can nêu trên hoàn toàn không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Đông Á.Trước đó, tháng 8/2015, các lãnh đạo này đã bị Ban kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và Hội đồng xử lý kỷ luật của DongAbank đình chỉ chức vụ và đã không tham gia quản lý, điều hành ngân hàng gần 1 năm rưỡi qua".

"Mọi hoạt động kinh doanh tại ngân hàng vẫn đang diễn ra bình thường, quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo và DongA Bank sẵn sàng đáp ứng khả năng chi trả đầy đủ các nghĩa vụ tài chánh đối với đối tác và khách hàng"-ngân hàng cho hay.

Cựu sếp bị bắt, cổ đông DongABank lại "nín thở" ảnh 1

Ông Trần Phương Bình, nguyên TGĐ DongABank

Được biết, ông Trần Phương Bình (sinh năm 1959), là một trong những người sáng lập, có đóng góp phát triển ngân hàng DongAbank trong 23 năm qua. Ông Bình đã đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank từ năm 1998 và là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị từ 2013. 

Ngày 13/8/2015, DongAbank bị đưa vào diện vào diện kiểm soát đặc biệt do hoạt động kinh doanh sa sút, kém hiệu quả. Đến 20/8/2015, ông Bình bị đình chỉ cả hai chức vụ này cùng với Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Vân cũng bị mất chức. 

Ngày 22/8/2015, ông Trần Phương Bình đã viết thư tay gửi lời xin lỗi khách hàng, cổ đông và cán bộ nhân viên. Ông tự nhận trách nhiệm cá nhân vì đã có một số quyết sách dẫn tới hệ quả xấu như ngày nay. Trong thư, ông mong khách hàng tiếp tục ủng hộ, giữ quan hệ giao dịch với ngân hàng, mong được cổ đông đồng thuận khi đệ trình các phương án tái cấu trúc DongA Bank.

>> Khởi tố nguyên tổng giám đốc DongABank Trần Phương Bình

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh hội thảo

Để ESG dẫn dòng tín dụng

Ngành ngân hàng đang thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh...

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…