Đà Lạt nở rộ dịch vụ homestay

Với giá chỉ 100.000 đến 300.000 đồng mỗi ngày cho một chỗ "ăn, chơi, ngủ, nghỉ" và tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân bản địa..., mô hình du lịch homestay ở Đà Lạt đang rất hút khách.
Đà Lạt nở rộ dịch vụ homestay

Những khu nhà nghỉ homestay ở Đà Lạt đang kinh doanh đắt khách

Khoảng hai năm trở lại đây, loại hình lưu trú tại nhà dân - homestay ở Đà Lạt phát triển mạnh, đến mức giới trẻ khắp cả nước coi nơi đây là "thiên đường homestay".

Với lợi thế khí hậu mát mẻ quanh năm, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đồi dốc uốn lượn, hàng chục homestay "đa phong cách" nằm trải đều từ những con hẻm sâu, khu vực trung tâm ra vùng ngoại thành đã làm tăng thêm sức hút đối của du khách khi đến với Đà Lạt.

Nằm bên sườn đồi thoai thoải dốc, có không gian thoáng phía dưới thung lũng, Homestay Đà Lạt Otel (đường Hùng Vương, TP Đà Lạt) được thiết kế lạ mắt với cách sắp xếp bằng những ống xi măng lớn liền kề nhau. Anh Bùi Xuân Lâm, phụ trách kinh doanh nơi đây cho biết, từ khi mô hình đi vào sử dụng, lượng khách lưu trú luôn đạt mức cao, những ngày cuối tuần khách phải gọi điện thoại đặt trước mới có phòng. Phần lớn khách là các bạn trẻ đi "phượt" hoặc đi chơi theo nhóm thích không gian trải nghiệm mới lạ, nhiều người quay lại lần 2, lần 3 bởi sự thoải mái, gần gũi.

Nhà ống cống thu hút khách du lịch bởi yếu tố "lạ"

Nhà ống cống thu hút khách du lịch bởi yếu tố "lạ"

Cũng với kiểu thiết kế tương tự, "nhà nghỉ ống cống" The Circle Hostel (phường 3, TP Đà Lạt) được xây dựng trên khu đất rộng 300m2. Với 10 phòng nghỉ được bố trí sát nhau theo hình chữ L, mỗi phòng được lắp ghép từ 2 ống cống có đường kính 2,2m và cao 1,2m. Theo anh Nguyễn Quang Khải, chủ nhân khu nhà nghỉ, sáng sớm khi thức dậy chỉ cần kéo tấm rèm là du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên với những rừng thông bạt ngàn phía dưới hiện ngay trước mắt.

Anh Bùi Bình (phường 10, TP Đà Lạt), chuyên tư vấn, xây dựng nhà ống cống tại Đà Lạt cho biết, chi phí để xây dựng một ống cống từ 60 đến 70 triệu đồng. Nếu tính các chi phí cải tạo không gian, nội thất thì để xây dựng khu nhà 10 ống cống sẽ hết khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Những homestay khác làm bằng khung sắt, mái tôn, thùng container có cách âm, cách nhiệt cũng có giá 70-100 triệu đồng một nhà.

Phần lớn các homestay ở Đà Lạt hiện nay đều có xu hướng "độc lạ", được xây dựng bắt mắt bằng những gam màu rực rỡ, cầu kỳ hoặc tối giản. Bà Phạm Thị Hồng Vân, chủ nhân Homestay Légume chia sẻ, cơ sở lưu trú của gia đình bà được xây dựng theo phong cách tối giản, chú trọng việc giảm thiểu tối đa việc trang trí trong không gian nội thất. Theo đó, mỗi phòng dành cho hai người chỉ có những vật dụng cơ bản như giường, kệ đựng đồ, phòng tắm (đầy đủ tiện nghi). Những vật dụng thường thấy trong các khách sạn truyền thống như tivi, bàn trang điểm đều được lược bỏ.

Lý giải điều này, bà Vân cho biết, vì hướng tới đối tượng chính là các bạn trẻ thích khám phá, thích điều mới lạ nên khi được ở trong những căn nhà nhỏ xinh thì mọi người rất thích thú. Bù lại, với không gian thoáng đãng bên ngoài, chủ cơ sở lưu trú đã tận dụng những ô đất trống để trồng rau, hoa để khách có thể tự thu hoạch sử dụng chung với gia chủ. Riêng khoảnh sân rộng ở khu trung tâm sẽ là nơi các bạn trẻ có thể tự mua đồ về nấu ăn, tạo không khí như trong gia đình.

Ngoài ra còn có những homestay được xây dựng mới theo kiểu nhà nghỉ dưỡng sang trọng với nhiều phòng nghỉ được thiết kế trang nhã và gọn gàng. Mỗi phòng được trang trí khác nhau, tạo sự mới lạ trong mỗi lần lưu trú tại nơi đây.

Ngay cả những homestay hình thành bằng việc "tận dụng" những thứ có sẵn cũng "hút hồn" du khách với không gian tái hiện đời sống sinh hoạt của gia đình Đà Lạt những năm 1960-1970, hoặc phục chế những ngôi biệt thự cổ kết hợp với kiểu trang trí bắt mắt, thậm chí "dị" thường. Tất cả những điều đó đều hướng tới tâm lý thích cái "lạ" của phần lớn khách lưu trú.

Những khối nhà "độc" và "lạ", cùng không gian thân thiện là điểm lựa chọn lưu trú của nhiều bạn trẻ

Những khối nhà "độc" và "lạ", cùng không gian thân thiện là điểm lựa chọn lưu trú của nhiều bạn trẻ

Ông Trương Văn Hòa, quản lý một homestay tại phường 7, TP Đà Lạt đánh giá, phần lớn khách lưu trú là giới trẻ, sinh viên nên thường tranh thủ những dịp cuối tuần rủ nhau lên Đà Lạt, thời gian lưu trú vì thế cũng ngắn, khoảng 2-3 ngày.

Vì đối tượng là giới trẻ, người chưa đi làm hoặc thu nhập chưa cao nên phần lớn các homestay đều áp dụng mức giá vừa phải từ 100.000 đến 300.000 đồng mỗi người. Mức giá trên cũng được coi là cạnh tranh với các khách sạn truyền thống.

Anh Bùi Xuân Lâm cho biết, hiện giá một đêm tại Đà Lạt Otel là 200.000 đồng một người, phòng ở tối đa được 3 người. Còn tại Homestay Légume giá giao động từ 400.000 đồng cho phòng 2 người, 600.000 đồng cho phòng 4 người và phòng tập thể có sức chứa 12 người với giá 100.000 đồng mỗi người.

Anh Huỳnh Tuấn Phương 28 tuổi ở TP Biên Hòa cho biết, trong chuyến đi du lịch tại Đà Lạt đã cùng bạn bè thử ở một số homestay nơi đây. "Ba đêm ở Đà Lạt, tụi tôi ở 3 homestay khác nhau để trải nghiệm, điều thú vị là mỗi nơi đều có cách thiết kế, vị trí hoàn toàn khác nhau nên gây ấn tượng mạnh".

Còn Lê Thạch (sinh viên tại TP HCM) chia sẻ, với giá tiền khá mềm nhưng bạn được trải nghiệm không gian gợi mở, gần gũi với thiên nhiên, hiểu được văn hóa sinh sống của người dân bản địa.

Theo Khánh Hương/Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...