Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn gây chậm tiến độ dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan

Loạt vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng đang là “nút thắt” ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cao tốc trọng điểm Hòa Liên-Túy Loan…

Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan đang bị chậm tiến độ so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan đang bị chậm tiến độ so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Mới đây, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã thông tin về tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan, một công trình trọng điểm quốc gia.

Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan được biết đến là dự án xây dựng tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam đi qua 3 xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang thuộc thành phố Đà Nẵng. Dự án khởi công từ tháng 9/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.113 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư trên 951 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, đến nay dự án vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Thời điểm hiện tại, thành phố Đà Nẵng đã bàn giao khoảng 10,05 km/11,47 km mặt bằng xây dựng dự án.

Lý giải nguyên nhân gây chậm tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng, ông Chương đã chỉ ra loạt khó khăn thành phố đang gặp phải như: Các văn bản pháp lý liên quan để triển khai công tác thu hồi đất dự án thực hiện giải phóng mặt bằng chậm; sức ép về tiến độ rất lớn; Lượng hồ sơ giải quyết lớn, vừa thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Hòa Liên-Túy Loan và vừa thực hiện dự án hoàn thiện tuyến đường gom với gần 2.000 hồ sơ, trong khi đó một hồ sơ giải tỏa phải lập thủ tục 2 lần do cung cấp thửa đất hai thời điểm khác nhau.

Vấn đề vướng mắc lớn nhất được ông Chương đề cập đến là tình trạng thiếu đất để bố trí tái định cư cho người dân.

du-an-2-8526.jpg
Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng

Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, cả dự án có khoảng 272 hồ sơ đất ở cần bố trí tái định cư, với khoảng 792 lô đất tái định cư (TĐC) (dự án xây dựng đường cao tốc 630 lô và dự án hoàn thiện tuyến đường gom 162 lô), nhưng hiện nay vẫn còn nhiều khu đất tái định cư chưa có đất thực tế, các khu TĐC mới thì vẫn còn đang thực hiện các bước để triển khai dự án. Do đó, việc vận động các hộ giải tỏa đất ở và các hộ có nhà ở gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra còn có một số vướng mắc khác như tại xã Hòa Sơn các hộ dân trên địa bàn có nguyện vọng bố trí TĐC tại chỗ để thuận lợi sinh hoạt và tín ngưỡng tôn giáo; số mồ mả ảnh hưởng cần di dời là rất lớn (3.275 mộ), cần phải đạt được sự đồng thuận của người dân mới có thể di dời...

Trước những khó khăn đang gặp phải, thành phố cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định số về việc thành lập Tổ công tác xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn thành phố. Tổ đã phối hợp hiệu quả, trách nhiệm cùng với địa phương, đặc biệt là với huyện Hòa Vang, nơi có 3 xã có phần diện tích nằm trên công trình thi công.

Đối với việc bàn giao mặt bằng để triển khai thi công, hiện nay đã hoàn thành bàn giao 1.075/1.216 hồ sơ, đạt 88,5% (Hoà Liên 145 hồ sơ, Hòa Sơn 472 hồ sơ, Hòa Nhơn 458 hồ sơ), chiều dài mặt bằng dự án đã bàn giao khoảng 10,05 km/11,47 km.

"Với lượng hồ sơ và mặt bằng đã bàn giao đảm bảo cho đơn vị thi công triển khai cho đến năm 2024", ông Võ Nguyên Chương khẳng định.

Riêng UBND huyện Hòa Vang cũng tích cực thực hiện giải pháp vận động người dân. Địa phương đã thành lập 3 Tổ công tác giải phóng mặt bằng do 3 lãnh đạo huyện trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp tổ chức tiếp dân, họp xử lý vướng mắc, kết hợp xử lý vướng mắc hiện trường hằng tuần, tăng cường làm việc cả thứ bảy, chủ nhật để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án.

Mỗi xã trong huyện cũng thành lập 1 tổ công tác vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, trong đó trọng tâm là tuyên truyền vận động, giải quyết đối với các trường hợp, hồ sơ đất ở, các trường hợp bố trí tái định cư và di dời đối với các hồ sơ còn lại.

UBND huyện tập trung chỉ đạo Ban giải phóng mặt bằng huyện, các ngành, địa phương liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thẩm định pháp lý, sớm tham mưu ban hành các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết để có cơ sở tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, hỗ trợ. Đối với các trường hợp đã tiếp dân nhiều lần, giải quyết thỏa đáng các chính sách theo quy định, nhưng vẫn không chấp hành chủ trương thì thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm