Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 diễn ra ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết trong 10 năm qua, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam ngày càng phát triển; trở thành một kênh dẫn dắt dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là của khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế.
“Tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến nay đã đạt mức ấn tượng, khoảng 48,8 tỉ USD. Riêng năm 2017 giá trị M&A đạt mốc kỷ lục là 10 tỉ USD” - ông Thắng thông tin.
Theo Thứ trưởng Thắng, việc phát triển thị trường M&A tại Việt Nam là do quá trình cải cách thể chế đang diễn ra mạnh mẽ, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã không ngừng được hoàn thiện. Đáng chú ý là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và nhiều luật chuyên ngành khác, xác lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ.
Đây là một xu thế khách quan và tất yếu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, cho biết môi trường M&A Việt Nam hoạt động ngày càng mạnh mẽ và thành công với tốc độ tăng trưởng hằng năm 17%, số lượng thương vụ tăng mạnh và có giá trị ngày càng cao. Trong đó, thương vụ nổi tiếng năm qua là thương vụ Thaibev đầu tư vào Sabeco. Sau thương vụ này, khả năng thương hiệu Việt Nam tham gia thế giới là rất tốt.
"Nếu không có M&A sẽ rất khó cho thương hiệu Việt Nam xuất hiện như vậy trên thế giới" - ông Cleine đánh giá.
Cũng theo ông Cleine, với các hiệp định thương mại đã được ký kết, Việt Nam vẫn là nơi quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là Hàn Quốc. Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng quan tâm đến thị trường Việt Nam và mở rộng đầu tư tại đây. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) cũng như châu Âu cũng tiếp tục nhìn vào Việt Nam.
“Nhìn chung, tại thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư châu Á đang chiếm giữ thị trường M&A trong những năm qua và sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trên thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới” - ông Cleine nói.
Về lĩnh vực M&A thì hàng tiêu dùng, thực phẩm thức uống sẽ có triển vọng rất cao. Ngoài ra, khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện cũng khuyến khích đẩy mạnh vào lĩnh vực công nghệ, dược và bất động sản, trong đó phân khúc khách sạn, nhà hàng thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Điều thú vị là lĩnh vực ngân hàng cũng tạo ra nhiều sức hấp dẫn mới khi Chính phủ ngày càng mở cửa hơn trong lĩnh vực này.
Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, 10 năm trở lại đây, môi trường M&A đã thay đổi rõ nét. Quy mô M&A tại Việt Nam bây giờ đã bằng Indonesia, Malaysia và trong thời gian tới, thị trường M&A Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều hai thị trường này.
Có thể 10 năm tới, môi trường sẽ biến động theo hướng theo nhu cầu Việt Nam cần cái gì và tăng yếu tố chọn lọc hơn trong các hoạt động M&A theo hướng nội lực quyết định, ngoại lực quan trọng.
Tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi chi gần 5 tỉ USD mua bia Sài Gòn được xem là thương vụ lớn nhất năm qua.
Hoạt động M&A năm 2017 có sự tăng trưởng đột biến. Nguyên nhân của sự đột biến này là thương vụ ThaiBev - Sabeco. Với giá trị 4,8 tỉ USD, thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A của năm 2017, đưa tổng giá trị M&A của Việt Nam ở mức tương đương với các thị trường Malaysia 11,73 tỉ USD, Indonesia 10,76 tỉ USD. Xét về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 5-6 triệu USD (tương đương 100-120 tỉ VND), các giao dịch quy mô nhỏ chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô vừa và lớn 20-100 triệu USD. Tỉ trọng các thương vụ ở quy mô này đang có xu hướng gia tăng trong vài năm qua. |
Theo Plo