Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua phương án xử lý cổ phiếu chưa phân phối hết trong đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Cụ thể, kết thúc đợt phát hành 80,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Dabaco đã chào bán thành công 77,8 triệu cổ phiếu và còn lại 2,79 triệu cổ phiếu chưa chào bán hết.
Tương tự, với kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP, Dabaco phát hành 12 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tính đến hết ngày 15/8/2024, số lượng cổ phiếu người lao động có tên trong danh sách đăng ký mua và nộp tiền là hơn 11,7 triệu đơn vị, và còn lại 270.000 cổ phiếu.
Theo đó, Dabaco sẽ tiếp tục chào bán 2,79 triệu cổ phiếu còn lại cho 15 nhà đầu tư cá nhân với giá chào bán không thấp hơn 15.000 đồng/cổ phiếu (giá cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định). Số cổ phiếu trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Đối với 270.000 cổ phiếu cổ phiếu ESOP chưa phân phối hết, Dabaco dự kiến phân phối tiếp cho các cán bộ nhân viên với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này cũng bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Thời gian đăng ký mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 26/8/2024 đến ngày 29/8/2024.
Nếu phân phối hết số cổ phiếu còn lại, Dabaco có thể thu về hơn 1.330 tỷ đồng từ 2 đợt chào bán trên. Dự kiến toàn bộ số tiền thu về sẽ được Dabaco đầu tư vào công ty con do tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ là Công ty TNHH Dầu thực vật Dabaco nhằm thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành Dabaco giai đoạn 2.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần 3.184 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm không đáng kể khiến lợi nhuận gộp bị “thu hẹp” 35%, xuống còn 430,5 tỷ đồng.
Quý vừa qua, doanh thu hoạt động tài chính giảm 60% còn 4,7 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi giảm mạnh. Trong khi đó, các chi phí đều tăng như chi phí tài chính tăng 12,7% lên mức 80,2 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng chiếm hơn 94 tỷ đồng, tương ứng tăng 16,3%.
Khấu trừ chi phí, Dabaco báo lãi sau thuế quý 2/2024 giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, đạt 145,4 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty, trong quý vừa qua, tình hình giá cả nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu tiếp tục biến động; dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn Châu phi vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng khiến tổng đàn chăn nuôi lợn của cả nước giảm mạnh và công ty cũng bị ảnh hưởng.
Mặc dù giá lợn hơi trong nước tăng nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi trong tập đoàn vẫn chưa được cải thiện đáng kể, điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 giảm mạnh so với cùng kỳ.
Tuy nhiên nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1, công ty thu về 6.437 tỷ đồng doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm, tăng 11,2%. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 35,8 lần cùng kỳ năm 2023, đạt 218 tỷ đồng.
Năm 2024, Dabaco lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2023 và lãi sau thuế 729,8 tỷ đồng, gấp 29 lần năm ngoái. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty mới thực hiện được 25,4% kế hoạch doanh thu và gần 30% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 26/8, cổ phiếu DBC đóng cửa ở mức 27.550 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của doanh nghiệp chăn nuôi này trên thị trường đạt khoảng 6.667 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Maybank (MSVN) nhận định, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn vẫn có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ dù đối mặt với nhiều rủi ro.
Theo đó, Dabaco đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư và nhanh chóng đưa vào hoạt động các dự án như nhà máy sản xuất vắc-xin, nhà máy ép dầu thực vật giai đoạn 2 để đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Bên cạnh đó, công ty đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển vắc-xin Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) với 300.000 con lợn đã được tiêm với kết quả khả quan. Nhà máy vắc-xin với công suất 200 triệu liều/năm của Dabaco đã hoàn thành và được chứng nhận GMP-WHO vào đầu tháng 8, giúp công ty tiến gần hơn đến việc thương mại hóa vắc-xin, điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của DBC trong tương lai.