Đại án Oceanbank: Chi lãi suất ngoài để cứu ngân hàng?

Đó là khẳng định của Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm trong ngày thứ 8 xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Đại án Oceanbank: Chi lãi suất ngoài để cứu ngân hàng?

Quang cảnh phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị OceanBank) cùng 47 bị cáo khác- Ảnh: TTXVN

Hành vi chi thêm lãi suất ngoài hợp đồng của các bị cáo nguyên là lãnh đạo và giám đốc chi nhánh OceanBank trên toàn quốc bị cáo buộc gây thiệt hại cho ngân hàng này 1.576 tỉ đồng. Tuy nhiên, đứng trước tòa, các bị cáo đều cho rằng việc chi lãi ngoài là để “cứu ngân hàng”.

Thiệt hại mà không phải... thiệt hại

Bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên tổng giám đốc OceanBank) lý giải: “Có chi tiền lãi ngoài thì khách hàng mới gửi tiền. Có tiền gửi thì ngân hàng mới đảm bảo thanh khoản, từ đó mới kinh doanh sinh lãi, mới nuôi được 2.000 nhân viên, nộp thuế cho Nhà nước...

Cho nên con số 1.567 tỉ đồng không phải là thiệt hại như cáo trạng nêu mà là vốn kinh doanh”.

Đứng trước tòa, nguyên chủ tịch Hà Văn Thắm cũng biện minh: “Tình hình lúc đó rất căng! Có thời điểm xe của ngân hàng khác đỗ trước cửa OceanBank để chờ khách hàng rút tiền chở đi, nên việc chi lãi ngoài là để giữ chân khách hàng, để cứu ngân hàng...”.

Khoản tiền 1.576 tỉ đồng có phải thiệt hại hay không? Hành vi chi lãi ngoài hợp đồng kéo dài tại OceanBank nhưng lại không bị phát hiện, trách nhiệm của thanh tra Ngân hàng Nhà nước tới đâu?

Trong ngày 7-3, nhiều luật sư đặt câu hỏi như vậy với Ngân hàng Nhà nước, nhưng đại diện cơ quan này không có mặt tại tòa.

Luật sư và một số bị cáo cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, vì OceanBank đều gửi báo cáo đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, thanh tra Ngân hàng Nhà nước không có động thái xử lý, nhắc nhở phải chấm dứt việc chi lãi ngoài hợp đồng. Trước ý kiến này, hội đồng xét xử yêu cầu luật sư và các bị cáo không được suy luận về trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Lực lượng chức năng dẫn giải bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên tổng giám đốc OceanBank, đến phiên tòa xét xử - Ảnh: TTXVN
Lực lượng chức năng dẫn giải bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên tổng giám đốc OceanBank, đến phiên tòa xét xử - Ảnh: TTXVN

Tập đoàn Dầu khí mất trắng 800 tỉ đồng

Liên quan đến OceanBank, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất trắng 800 tỉ đồng khi ngân hàng này bị mua lại với giá 0 đồng. Trên thực tế, PVN, các tổng công ty và công ty con thuộc PVN đổ vốn khá lớn vào OceanBank.

Cáo trạng và lời khai của các bị cáo tại tòa cho thấy Nguyễn Xuân Sơn (nguyên chủ tịch PVN) gợi ý với Hà Văn Thắm phải chi thêm tiền lãi ngoài hợp đồng thì mới gửi tiền tại OceanBank.

Tại tòa, Hà Văn Thắm lý giải bị cáo buộc phải đồng ý với chủ trương của Nguyễn Xuân Sơn và để Sơn được toàn quyền quyết định việc chi tiền lãi suất mà không cần phải trao đổi chi tiết.

Em họ của Sơn là Nguyễn Xuân Thắng được phân công thay mặt Sơn đứng ra nhận tiền lãi ngoài từ OceanBank chi trả cho PVN.

Bị cáo Thắng cho biết đã nhận cho Sơn khoảng 240 tỉ đồng từ OceanBank. Mỗi tháng nhận bình quân 5 tỉ đồng, mỗi lần nhận ít nhất 100.000 USD và nhiều nhất là 20 tỉ đồng.

Nhận được tiền, Thắng đều làm theo chỉ đạo của Sơn là chuyển hàng chục tỉ đồng cho cha mẹ, nhờ đứng tên cổ phiếu của ngân hàng, đứng tên cổ phần của Công ty Dầu khí, nhờ trả tiền mua bất động sản...

Trong khi Nguyễn Xuân Thắng và Hà Văn Thắm khai rõ ràng, rành mạch việc chi tiền nêu trên thì bị cáo Nguyễn Xuân Sơn một mực phủ nhận. Theo lời Sơn, bị cáo không đề ra chủ trương chi lãi suất ngoài, cũng không nhận bất cứ khoản tiền trái quy định nào như cáo trạng đã truy tố.

Hôm nay (8-3), tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Điều tra việc góp vốn thua lỗ

PVN góp 800 tỉ đồng (20% vốn điều lệ), Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà góp 266 tỉ đồng (6,65%) vào OceanBank. Đến nay, OceanBank bị mua lại với giá 0 đồng khiến số tiền góp vốn của 2 đơn vị này không có khả năng thu hồi.

Do thời hạn điều tra đã hết nên Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an có quyết định tách nhóm hành vi này để tiếp tục điều tra, xử lý.

Theo luật sư Trần Minh Hải (nguyên giám đốc pháp chế của một số ngân hàng), trong trường hợp ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng, đơn vị góp vốn vào ngân hàng có đòi lại được tiền hay không còn phụ thuộc vào cơ sở pháp lý và mối quan hệ giữa các đơn vị.

Cụ thể, nếu PVN góp vốn vào OceanBank với tư cách là chủ sở hữu thì phần vốn này nằm trong giá trị 0 đồng mà ngân hàng bị mua lại. Nếu phần vốn góp được hạch toán như một khoản nợ thì về nguyên tắc, đơn vị góp vốn như PVN hay Công ty Sông Đà có quyền đòi lại.

Theo Tâm Lụa/Tuổi trẻ 

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...