Đại biểu Quốc hội: GDP cao nhưng giá trị thật Việt Nam được bao nhiêu?

Đánh giá chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5-6,7% trong năm 2018 là mục tiêu linh hoạt nhưng đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh tỏ ra băn khoăn về sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Đại biểu Quốc hội: GDP cao nhưng giá trị thật Việt Nam được bao nhiêu?

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) đã có những chia sẻ cụ thể hơn với báo chí bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã năm 2017 và mục tiêu năm 2018.

Ông có nhận định gì về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2017 trong những tháng qua và ước tính cả năm nay?

Ta còn 2 tháng nữa là hết năm nhưng 10 tháng qua, tôi nhận được thông tin là tăng trưởng tiếp tục tốt. Mặc dù các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung có xảy ra thiên tai gây thiệt hại lớn về kinh tế nhưng đó chỉ lớn so với địa phương, còn so với quy mô nền kinh tế thì không phải là lớn lắm. Bởi vậy, các chỉ tiêu của Chính phủ tôi hy vọng là đạt được.

Theo ông, trong năm 2018, chúng ta có tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng như năm nay hay không?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Năm 2018, Chính phủ đưa ra mục tiêu mềm, không cứng như mọi năm. Tức là sang năm Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP cỡ 6,5-6,7%. Tôi cho rằng đưa ra mục tiêu như thế là linh hoạt để Chính phủ điều hành vì nói thật, mặc dù năm 2017 ta có tăng trưởng nhưng mà tính bền vững chưa cao lắm.

Tôi nói điều này vì nền kinh tế trong nước của chúng ta nhất là thu ngân sách với 3 khoản thu là thu từ khu vực doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều thấp, khả năng không đạt kế hoạch.

Ngoài ra, mặc dù chúng ta mỗi tháng thành lập mới cỡ 10.000 doanh nghiệp, tức là khoảng 120.000 doanh nghiệp một năm nhưng tỷ lệ ngừng và giải thể vẫn chiếm tới 60%. Điều này để thấy là khởi nghiệp của ta tốt nhưng tồn tại bền vững hay không lại là chuyện khác.

Vấn đề nữa là trong năm 2017, ta có tăng trưởng đột phá như lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng gấp 4 lần năm trước đó hay công nghiệp chế biến chế tạo cũng phát triển mạnh nhưng thực tế ta vẫn dựa vào doanh nghiệp FDI. Năm sau, nếu ta thu hút vốn đầu tư vẫn đà này và doanh nghiệp nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam thì khả năng ta đạt được mục tiêu như Chính phủ đặt ra.

Như vậy, theo ông, chúng ta vẫn chưa có cơ sở để phát triển một cách bền vững?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Rõ ràng là như vậy. Muốn phát triển bền vững thì ta phải có vốn của người Việt Nam, chủ là người Việt Nam. Nếu như vậy thì rất bền vững còn nếu tất cả mọi thứ ta chỉ gia công, dù GDP cao nhưnng giá trị thật của Việt Nam được bao nhiêu?

Ví dụ như với chế tạo chế biến, công nghiệp điện tử, Samsung có kim ngạch xuất khẩu 50 tỷ USD nhưng giá trị của Việt Nam các bạn tính xem được bao nhiêu. Hoặc như ôtô, tỷ lệ nội địa hóa của chúng ta hiện nay không biết có được 25% hay không. Có những đơn vị báo cáo tỷ lệ nội địa hóa đạt 40% nhưng tôi rất nghi ngờ về tỷ lệ đó.

Vậy rõ ràng, nền kinh tế muốn bền vững thì ta phải phá triển chính doanh nghiệp trong nước hoặc đầu tư ra nước ngoài, tức là tiền của người Việt Nam, chủ người Việt Nam, mang lại giá trị Việt Nam, đó mới là bền vững./.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...