Phát biểu tại Nghị trường sáng 25/5, ông Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho biết cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính đã đạt nhiều kết quả quan trọng, Chính phủ điện tử cũng đang được triển khai tích cực, thứ hạng môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc…Song những thành quả này còn khiêm tốn so với kỳ vọng và chuẩn mực hàng đầu của các nước ASEAN.
Ông Lộc cũng cho biết, một số bộ ngành mới cắt giảm thủ tục hành chính ở những khu vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ, chạy theo vụ việc, nhiều tư lệnh ngành còn lơ là với cải cách thể chế. Do đó, những chuyện cười ra nước mắt chỉ có ở Việt Nam vẫn diễn ra như chuyện một thỏi socola phải chịu 13 giấy phép, thời gian nuôi gà ngắn hơn thời gian xin cấp phép bán gà…
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), kế hoạch tổng thể giải quyết các vấn đề của cơ chế xin - cho vẫn chưa được phác thảo.
“Nếu các Bộ luật vẫn được thiết kế theo kiểu luật đóng, luật khung và cần có các nghị định, thông tư hướng dẫn thì những giấy phép "con", "cháu" của các thủ tục hành chính rườm rà chẳng những không biến mất mà còn có nguy cơ biến tướng, phục hồi, chuyển từ hình thái này sang hình thái khác và vẫn đè nặng lên doanh nghiệp”, ông Lộc nói.
Việc giảm chi phí, cả chính thức và không chính thức, cho người dân và doanh nghiệp vì thế sẽ vẫn khó thực hiện triệt để.
Liên quan đến vấn đề ngân sách nhà nước, ông Lộc đánh giá, những năm vừa qua ngân sách được cân bằng, khống chế nợ công, một phần nhờ các khoản thu một lần như bán đất, bán tài sản công hay thu từ cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước. Khi các khoản thu này cạn kiệt phải chuyển sang tăng thu từ thuế.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nếu giảm chi thường xuyên bằng cách tinh giảm bộ máy, biên chế, lấy nguồn cho đầu tư phát triển thì không phải tăng thuế, phí dồn dập khiến người dân bức xúc.
Ông Lộc cảnh báo, nếu tăng thuế quá mức sẽ tạo nên một sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này không có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Theo Bảo Vy/Bizlive