Ngày 29/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7. Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, hiện nay có nhiều vấn đề phát sinh tác động đến tâm trạng khiến cử tri, nhân dân băn khoăn lo lắng.
Về tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, số liệu số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, đây là thực tế đáng suy ngẫm. Theo đại biểu, tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch, các chính sách, quy định còn thiếu đồng bộ chưa nhất quán, thủ tục hành chính rườm rà.
Từ đó, ông Thông kiến nghị có giải hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động, có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế.
Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015 – 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong 5 năm qua, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo đại biểu, đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Nói thêm về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đề xuất, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng. Trong đó, vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.
Như vậy, cần khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung triển khai nghiêm túc nghị định 73 năm 2023 của Chính phủ và các chỉ thị của Thủ tướng đã ban hành về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án kinh tế đã thụ lý trong thời gian qua. Tiếp tục chia sẻ thông điệp đã được người đứng đầu Chính phủ gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư là chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế, tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) phát biểu, hệ luỵ từ đại dịch Covid - 19 khiến cho cung cầu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ của các doanh nghiệp bị gián đoạn, đứt gãy dẫn đến hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế, cầu tiêu dùng trong nước tăng ở mức thấp…
Để góp phần tháo gỡ thực trạng khó khăn trên của doanh nghiệp, đại biểu Hà đề nghị, cần chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho doanh nghiệp, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết.
Ngoài ra, thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước, tăng cường vai trò của các chính sách tài khoá như các chính sách đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua.
Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.