Nhờ vào thành tích đáng tự hào này, Đại học Điện lực đã và đang khẳng định được vị thế của một ngôi trường có bề dày truyền thống hàng trăm năm lịch sử… Thương Gia đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trương Huy Hoàng – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực xung quanh vấn đề này.
Đứng đầu về chỉ số công bố bằng nội lực trong hệ thống giáo dục đại học
Trường Đại học Điện lực là trường công lập trực thuộc Bộ Công Thương. Tiền thân là Trường Kỹ nghệ Thực hành được thành lập năm 1898. Trải qua hơn 100 năm xây dựng và phát triển, ngày 19/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Đại học Điện lực trên cơ sở Trường Cao đẳng Điện lực. Ngày 24/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công thương ký quyết định số 10268/QĐ-BCT về việc điều chuyển Đại học Điện lực (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) về trực thuộc Bộ Công Thương.
Được biết Đại học Điện lực là một trường đại học công lập đa cấp, đa ngành có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Ngoài nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thì Trường chúng tôi còn là một Trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng đầu của ngành điện lực. Với mảng đào tạo, trường hiện có 18 ngành đào tạo đại học đại trà (trong đó 11 ngành đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo), 8 chương trình đại học chất lượng cao, 4 ngành đào tạo tiến sĩ, 7 ngành đào tạo thạc sỹ với quy mô gần 10.000 sinh viên.
Đối với nghiên cứu khoa học, trường luôn thực hiện các nhiệm vụ khoa học & công nghệ nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng và thực tiễn đặt ra. Các lĩnh vực nghiên cứu thuộc thế mạnh của trường bao gồm: Các hệ thống kỹ thuật trong các nhà máy điện (thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác thải), trạm điện và đường dây truyền tải điện; các bộ phận và hệ thống nhiệt - lạnh (như lò hơi, lò quay, máy lạnh, tuabin nhiệt, bơm nhiệt, mạng nhiệt); các hệ thống đo lường, điều khiển, bảo vệ, giám sát và truyền tin trên diện rộng; các vấn đề liên quan đến cơ khí, chế tạo và xây dựng điện....
Các lĩnh vực nghiên cứu thuộc thế mạnh của trường mà ông vừa nêu trên đã cho những kết quả như thế nào?
Với chủ trương gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất và đời sống, trong những năm vừa qua, Đại học Điện lực đã thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học uy tín trong và ngoài nước, nhiều sản phẩm KH&CN của trường đã được ứng dụng trong thực tiễn. Đại diện cho các sản phẩm nghiên cứu đó là thương phẩm công tơ điện tử, dàn nước nóng năng lượng mặt trời, lưới điện thông minh, máy tạo dòng 4000A, hợp bộ thí nghiệm Vôn-Ampe, máy bắn bóng bàn,...
Từ những nỗ lực của tập thể CBGV nhà trường, mới đây tại buổi lễ công bố kết quả xếp hạng chỉ số nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam năm 2019 do hệ thống đánh giá chất lượng đại học Việt Nam - University Performance Metrics (UPM) của Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện, Đại học Điện lực đã được vinh danh là ngôi trường đứng đầu về chỉ số công bố bằng nội lực.
Sáng chế máy trợ thở góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19
Không chỉ thành công trong đào tạo cán bộ chất lượng cao, Đại học Điện lực còn sáng chế thành công máy trợ thở không xâm lấn góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19. Vậy, xin ông cho biết kỹ hơn về sản phẩm này?
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Điện tử - Viễn thông và Trung tâm nghiên cứu phát triển, Trường Đại học Điện lực đã phối hợp với một số chuyên gia y tế đã cho ra đời hai phiên bản đầu tiên của mẫu máy trợ thở cho bệnh nhân mắc Covid-19 và các bệnh khác cần trợ thở chỉ chưa đầy sau 2 tuần bắt tay vào việc.
Máy trợ thở này là loại máy hỗ trợ thở không xâm nhập dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học thế giới. Máy có các tính năng cơ bản gồm đặt được các thông số như lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỉ số inhale/exhale... Ngoài ra, máy có thể mở rộng thêm một số tính năng an toàn khác nếu cần thiết, chẳng hạn như cảnh báo áp suất..
Đó là một trong nhiều thành quả về lĩnh vực nghiên cứu của nhà trường. Còn về mảng đào tạo thì sao, thưa ông?
Để có được lợi thế trong đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo, gắn kết đào tạo với thực hành, Trường đã không ngừng đổi mới trong chương trình giảng dạy, đào tạo giảng viên, hợp tác với các doanh nghiệp. Những năm qua, nhà trường thường xuyên rà soát lại nội dung chương trình, loại bỏ những nội dung trùng lặp, cập nhật nội dung phù hợp, tăng tính thực tiễn.
Trường cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thường xuyên mời các chuyên gia của doanh nghiệp đến làm việc nhằm cung cấp thông tin, kỹ thuật mới nhất để nâng cao trình độ cho giảng viên và sinh viên. Đồng thời, tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp trong thực hiện liên kết đào tạo để xây dựng chuẩn đầu ra, có thể đáp ứng các yêu cầu riêng của doanh nghiệp, tích cực thực hiện quy trình, hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp để cải tiến chương trình đào tạo có liên quan đến nội dung hợp tác.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành điện lực để sinh viên tham gia thực tập ngay tại doanh nghiệp. Việc này đã giúp sinh viên nắm bắt được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Quá trình đào tạo kết hợp thực hành kỹ năng, trao đổi chuyên môn giúp cơ sở sử dụng lao động tuyển dụng được lao động theo nhu cầu của mình.
Thành công trong hợp tác quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo
Được biết, nhằm nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh và quốc tế hoá các chương trình đào tạo, Trường đã không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư trang thiết bị dạy và học, nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên. Ông có thể nói rõ hơn những nội dung này?
Đúng vậy, với phương châm mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế, Trường đã xây dựng và phát triển các mối quan hệ hợp tác lâu dài với các tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài trong khu vực và trên thế giới cả về lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng như về lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Theo đó, Trường đã hợp tác với nhiều viện, trường đại học và tổ chức ở nước ngoài như Viện Grenoble, Đại học Khoa học và Công nghệ (Pháp), Đại học Deakin, Đại học Curtin, Học viện Chisholm (Úc), Đại học Bách khoa Prague (Séc), Đại học Palermo (Ý), Đại học Fukui, Đại học Nagaoka (Nhật Bản), Đại học Điện lực Thượng Hải (Trung Quốc), Đại học Bách khoa Quế Lâm, Đại học Khoa học Kỹ thuật Điện tử Thành Đô (Trung Quốc), UNITEN (Malaysia), Đại học Năng lượng Quốc gia Kazan (Nga), Hiệp hội Kiểm toán Công chứng Anh (Vương quốc Anh)…
Các hoạt động hợp tác quốc tế chủ đạo của Trường bao gồm các hoạt động trao đổi và phát triển học thuật; trao đổi cán bộ, giảng viên và sinh viên; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; liên kết đào tạo quốc tế; đào tạo nâng cao và đào tạo ngắn hạn; đồng tổ chức các hội nghị và hội thảo khoa học quốc tế, v.v…
Đặc biệt, từ năm 2018, một số trường đại học nước ngoài đã công nhận tương đương các tín chỉ trong chương trình đào tạo của trường Đại học Điện lực nhắm tạo thuận lợi cho sinh viên chuyển tiếp học tập nước ngoài với các trường Đại học Deakin (Úc) và Đại học Điện lực Thượng Hải (Trung Quốc). Ngoài ra, nhà trường đã mời được rất nhiều chuyên gia, các giáo sư có uy tín từ các trường quốc tế đến giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức quản lý, triển khai các hoạt động đào tạo, phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và kiểm tra đánh giá.
Ngoài việc hợp tác nêu trên, nhà trường đã xây dựng được đông đảo đội ngũ thầy cô có chuyên môn sâu với 2 Giáo sư, 21 Phó Giáo sư, 88 Tiến sĩ, và 262 Thạc sỹ. 100% giảng viên của trường đạt trình độ chuẩn theo quy định, được bố trí giảng dạy đúng chuyên môn đào tạo. Hiện nay, mỗi chuyên ngành đào tạo đều có đủ giảng viên có trình độ tiến sĩ chuyên ngành và trình độ thạc sỹ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo, hiện Nhà trường có 54 phòng thí nghiệm, thực hành được trang bị các thiết bị hiện đại và 01 khu thực tập đường dây, trạm biến áp với diện tích 9.955m2 đầy đủ các tuyến đường dây từ 0,4kv đến 500kv đủ phục vụ cho tất cả các chuyên ngành như hệ thống điện, nhiệt điện, thuỷ điện, tự động hóa, điện tử viễn thông... Nhà trường đã đầu tư xây dựng 94 phòng học lý thuyết với diện tích 6.805 m2 trong đó được trang bị đầy đủ các thiết bị như máy chiếu, âm thanh và 01 thư viện điện tử với trên 13.000 đầu sách và rất nhiều đầu sách sách điện tử đã đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ giáo viên và học sinh sinh viên….
Xin cảm ơn ông!